Top 10 Công ty Du lịch & Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022

07/12/2022

Chuyên mục:

Ngày 07/12/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022.

Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách có khả năng chống chịu tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, vươn lên trong bối cảnh mới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và các nhà đầu tư.

Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2019 đến nay; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.

Danh sách 1: Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2022, tháng 12/2022

Danh sách 2: Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022

Nguồn: Vietnam Report, Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022, tháng 12/2022

Hoạt động Du lịch - Vận tải hành khách Việt Nam thời kỳ hậu COVID-19

Thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới sau gần 3 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng. Mọi hoạt động đã dần quay trở về với quỹ đạo vốn có. Hoạt động du lịch toàn cầu, với thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD và 62 triệu việc làm trong năm 2020 do tác động của đại dịch, đã cho thấy sự phục hồi nhanh dần đều từ cuối năm 2021. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong 7 tháng đầu năm năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt khoảng 474 triệu người. Trong đó, có khoảng 207 triệu lượt khách quốc tế được ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 44% tổng số lượt khách được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm. Những con số trên cho thấy hoạt động du lịch đã phục hồi gần 60% so với mức trước đại dịch. Sự phục hồi ổn định phản ánh nhu cầu đi lại quốc tế đang bị dồn nén mạnh mẽ cũng như việc nới lỏng/dỡ bỏ các hạn chế đi lại (86 quốc gia không có hạn chế liên quan đến COVID-19 kể từ ngày 19/9/2022).

Đối với Việt Nam, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc. Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc là nhiều nhất với 769,9 nghìn lượt, tương đương 25,9%; tiếp theo là Mỹ với 266,1 nghìn lượt, chiếm 9,0%. Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu, khu vực Đông Nam Á có Campuchia đạt 172,5 nghìn lượt, xếp thứ 3; Thái Lan: 153,5 nghìn lượt, xếp thứ 4; Singapore: 134,5 nghìn lượt, xếp thứ 6; Malaysia: 129,2 nghìn lượt, xếp thứ 7.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019.

Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng vào các ngày trong tuần và trên 95% dịp cuối tuần, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải hành khách đáp ứng khá tốt nhu cầu mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng sản lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành của Vietnam Report tháng 10-11/2022 cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp nhận định doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm.

Hình 1: Đánh giá kết quả kinh doanh ngành Du lịch - Vận tải hành khách 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp ngành Du lịch - Vận tải hành khách, tháng 10-11/2022

Khảo sát cũng cho thấy, có đến 60,0% số doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023. Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.

Thực tế, sau mỗi một cuộc khủng hoảng lớn đều có những cuộc điều tra và phân tích chuyên sâu để chỉ ra những điểm yếu hoặc sai sót trong cách nhận biết và xử lý các vấn đề, từ đó đề ra các biện pháp kiểm soát và/hoặc quy định mới để ngăn chặn những sự kiện tương tự xảy ra. Kết quả nghiên cứu của Vietnam Report về sức chống chịu và khả năng phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách Việt Nam thực hiện trong tháng 10-11/2022 cho thấy, 100% số doanh nghiệp trong ngành cho rằng có thể học được nhiều điều từ việc ứng phó với COVID-19; 69,2% số doanh nghiệp đã chuẩn bị để ứng phó với các tác động của đại dịch và 76,9% số doanh nghiệp đã quản lý hiệu quả các tác động đó.

Hình 2: Nhận định của doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách về ảnh hưởng của COVID-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp ngành Du lịch - Vận tải hành khách, tháng 10-11/2022

Theo nghiên cứu tổng hợp của Vietnam Report, khả năng phục hồi kinh doanh được định nghĩa là khả năng mà một doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích ứng với sự gián đoạn, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và bảo vệ nhân sự, tài sản cũng như giá trị thương hiệu nói chung. Như vậy, khả năng phục hồi đề cập đến việc quản lý khủng hoảng và tính liên tục trong kinh doanh, ứng phó với tất cả các loại rủi ro mà một doanh nghiệp có thể phải đối mặt. Ngoài ra, khả năng phục hồi kinh doanh cũng đề cập đến khả năng doanh nghiệp thích ứng với môi trường kinh doanh mới sau khủng hoảng. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu chỉ ra nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về “khả năng phục hồi” còn khá đơn giản. Đa phần các doanh nghiệp cho rằng “khả năng phục hồi” là Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh sau gián đoạn, khủng hoảng (100%); Khả năng duy trì hoạt động liên tục, đảm bảo lợi ích cho các cổ đông, nhân viên và các bên liên quan… (84,6%); Khả năng quản lý khủng hoảng (53,8%); là Khả năng ứng phó với những tình huống khẩn cấp (30,8%). Chính vì thế, mặc dù đã có sự “chuẩn bị” nhưng phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều tỏ ra “bị động” trước những ảnh hưởng của đại dịch. Một tín hiệu tích cực từ kết quả nghiên cứu cho thấy, sau đại dịch 75% số doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đáng kể và thảo luận về khả năng phục hồi với một số lĩnh vực trọng tâm, 50% số doanh nghiệp đã lên kế hoạch xác định những việc cần cải tiến trong tương lai gần. Tỷ lệ các doanh nghiệp đưa các kế hoạch ứng phó khẩn cấp, quản lý khủng hoảng và kinh doanh liên tục vào trong chiến lược kinh doanh đã tăng lên đáng kể so với thời điểm trước khi đại dịch diễn ra.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán. Vì vậy, doanh nghiệp nào đầu tư tốt cho khả năng phục hồi kinh doanh thì doanh nghiệp đó không những có thể vượt qua khó khăn từ những rủi ro và gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành lần đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới phản ánh vai trò ngày càng tăng của tính bền vững và khả năng phục hồi trong tăng trưởng, cũng như vai trò của ngành trong phát triển kinh tế và xã hội một cách rộng rãi hơn.

3 thách thức của ngành Du lịch - Vận tải hành khách thời kỳ bình thường tiếp theo

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022, 3 thách thức chính của ngành Du lịch - Vận tải hành khách hiện nay là: Chất lượng nhân sự trong ngành yếu (36,7%); Nguồn cung lao động thiếu (29,1%); và Thiếu sản phẩm du lịch (25,3%).

Hình 3: Top 3 thách thức mà doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách đang đối mặt

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát Doanh nghiệp ngành Du lịch - Vận tải hành khách, tháng 10-11/2022

Thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải.

Tỷ lệ du khách quốc tế và nội địa tăng nhanh trong thời gian qua sau khi dỡ bỏ các rào cản đi lại và nối lại đường bay quốc tế, các điểm đến phổ biến trong nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải du lịch ngày càng tăng làm tăng rủi ro về trải nghiệm của du khách bị xuống cấp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự của toàn ngành chưa được chuẩn bị đầy đủ sau khi ngấm đòn COVID-19.

Mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua đã dẫn đến những vấn đề về quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết đầu tư cho hạ tầng du lịch trong những năm qua chỉ tập trung vào mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp. Thách thức này cùng với công tác quản lý yếu kém đã trở nguyên nhân chính khiến phần lớn khách hàng không hài lòng đối với địa điểm du lịch theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report (Hình 4).

Hình 4: Nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng của khách hàng đối với địa điểm du lịch

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Để khắc phục những hạn chế chế nói trên, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng là rất cần thiết. Khảo sát khách du lịch của Vietnam Report cho thấy những nội dung được quan tâm khi tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch bao gồm: thông tin chi tiết về các dịch vụ du lịch; Du lịch gắn với phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên; Thông điệp hấp dẫn; Ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách; và Hình ảnh được lồng ghép trong các bộ phim, MV ca nhạc…

Hình 5: Những nội dung được quan tâm nhiều nhất trên thang điểm 5 khi tìm kiếm thông tin liên quan đến du lịch

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Nguồn cung lao động và chất lượng nhân sự lao động ngày càng không có khả năng bắt kịp với nhu cầu khi ngành đang tăng trưởng nhanh.

Ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Trong khi đó, hiện nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong du lịch.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng trong bối cảnh chung hiện nay, thật sự Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Cơ hội là thế nhưng thách thức lại không hề nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn đó những khó khăn khác ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành có thể kể đến như: Tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; Biến động giá năng lượng. Phần lớn các doanh nghiệp dự báo những khó khăn này còn kéo dài đến cuối năm 2023, thậm chí sau đó nữa.

5 xu hướng phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh hậu COVID-19

Qua nghiên cứu, khảo sát doanh nghiệp và phỏng vấn chuyên gia, nổi lên 5 xu hướng của ngành trong thời kỳ hậu COVID-19.

Xu hướng số hóa ngành du lịch ngày một trở nên phổ biến.

Từ hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số đến thông báo du lịch theo thời gian thực, các giải pháp công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng và cung cấp hướng dẫn cho tất cả các quyết định du lịch.

Khi các quốc gia bắt đầu chào đón những khách du lịch đã được tiêm chủng trở lại, các yêu cầu về xét nghiệm, kiểm dịch và biểu mẫu vẫn có sự khác nhau giữa các điểm đến. Cung cấp các yêu cầu tại các điểm đến du lịch rõ ràng và hiện đại, cộng với cập nhật kịp thời nếu điều kiện du lịch thay đổi với sự hỗ trợ của công nghệ thời gian thực sẽ là điều cần thiết để hỗ trợ khách du lịch trong suốt hành trình của họ.

Vấn đề về visa điện tử là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch Việt Nam. Đây là vấn đề mang tính chiến lược trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19 đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi của khách du lịch trên toàn thế giới. Hiện nay, để có thể đẩy mạnh lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chính phủ cần đưa ra các chính sách để tiếp tục hoàn thiện quy trình xin visa online làm thế nào để thủ tục đơn giản, dễ dàng và nhanh gọn nhất để du khách quốc tế không ngần ngại khi đến Việt Nam du lịch.

Ngoài ra, các công ty du lịch cũng đã linh hoạt áp dụng công nghệ sáng tạo để giữ an toàn cho khách hàng mà vẫn cung cấp những trải nghiệm du lịch mới mẻ, tiện lợi. Đặt phòng khách sạn, lên máy bay, tàu xe… không tiếp xúc, đặt đồ ăn hoặc dịch vụ qua ứng dụng hoặc hỗ trợ nhân viên hướng dẫn qua ứng dụng di động hoặc trò chuyện là tất cả các giải pháp mang lại sự an tâm hơn cho khách du lịch. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11/2022 cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn khách du lịch lựa chọn khi du lịch là qua ứng dụng du lịch như Traveloka, Booking.com… (78,5%), tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý, công ty du lịch (36,9%). Khảo sát cũng cho thấy xu hướng khách du lịch ưu tiên các phương thức thanh toán không tiếp xúc, hạn chế tiền mặt nhiều hơn với tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ ATM/Visa lên tới 72,3%, chuyển khoản 52,3%, ví điện tử 46,2% rồi mới đến tiền mặt (33,9%).

Hình 6: Phương thức thanh toán khi đi du lịch

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Song song với đó, các công nghệ AR/VR được dự báo ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng, thông qua các giải pháp như các chuyến tham quan ảo đến các khu vực nghỉ dưỡng, cabin máy bay, bảo tàng và các điểm tham quan. Những công nghệ này giúp khách du lịch nghiên cứu một điểm đến kỹ lưỡng hơn, mang lại sự tự tin cho việc lập kế hoạch chuyến đi.

Du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển.

Trong bối cảnh ngành du lịch mới ra khỏi đại dịch, nhiều quốc gia vẫn chưa mở cửa biên giới hoàn toàn cho du khách, bên cạnh đó là giá vé máy bay và giá khách sạn tăng cao, các chuyến đi nội địa với chặng ngắn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người đam mê du lịch. Du khách, dù để giải trí hay công tác, thường có xu hướng chọn các điểm đến trong nước để đảm bảo an toàn tối ưu giữa mùa dịch, đồng thời tránh các quy tắc kiểm dịch khác nhau giữa các quốc gia. Trong tương lai, xu hướng này dự kiến sẽ tạo ra nhu cầu về các kế hoạch du lịch theo khu vực, chẳng hạn như người châu Á đi du lịch trong châu Á, người châu Âu đi du lịch trong châu Âu…

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, các điểm du lịch trong nước được phần lớn khách du lịch ưu tiên lựa chọn như miền Trung (78,5%), miền Bắc (70,8%), miền Nam (56,9%), sau đó là các khu vực lân cận như Đông Nam Á (61,5%) và châu Á (56,9%). Đáng lưu ý, hơn 1/3 khách du lịch lựa chọn du lịch tại các địa điểm trong và gần tỉnh/thành phố mà họ ở. Hình thức du lịch này trở nên khá phổ biến khi nhịp sống đô thị khiến con người luôn trong tình trạng căng thẳng mệt mỏi, các cư dân thành thị luôn có xu hướng tìm về những không gian xanh mát, yên bình để tranh thủ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng trong hai ngày cuối tuần tại các điểm du lịch dã ngoại ven đô.

Hình 7: Những khu vực du lịch được ưa thích nhất

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Khảo sát cũng cho thấy 75,4% số khách du lịch lựa chọn các chuyến đi ngắn từ 2-3 ngày, hoặc 4-5 ngày (23,1%). Đây cũng là điểm mà các công ty du lịch cần lưu ý bởi nguyên nhân khiến đa số khách du lịch không hài lòng với công ty du lịch chính là việc thiết kế tour có lịch trình dày đặc, di chuyển liên tục (chiếm 32,2%).

Du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu.

Du lịch bền vững sẽ là một trong những xu hướng trong ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19. Cộng đồng du lịch cũng sẽ ngày càng mong đợi sự minh bạch từ các tổ chức du lịch về các sáng kiến bền vững của họ. Khi các quốc gia trên toàn cầu nỗ lực đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận Paris và các công ty tư nhân đưa ra các mục tiêu về môi trường của riêng họ, khách du lịch sẽ tìm kiếm các tổ chức tập trung vào tính bền vững, đổi mới và có xu hướng lựa chọn du lịch thân thiện với môi trường hơn.

Du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức rõ hơn về tác động của họ, không chỉ đối với môi trường mà còn về mặt xã hội và cộng đồng nơi họ sinh sống. Gần 94% số khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, để thúc đẩy du lịch bền vững. Bên cạnh chi phí, phần lớn giới trẻ thể hiện quan điểm và cách đóng góp vào sự phát triển bền vững thông qua việc du lịch vào thời gian thấp điểm để giảm sức chứa của điểm du lịch (86,2%), sẵn sàng giảm bớt sự thoải mái khi du lịch (chẳng hạn chọn phương tiện công cộng thay vì taxi) (70,8%), chấp nhận thời gian di chuyển giữa các điểm đến dài hơn (chẳng hạn đi tàu hỏa thay vì đi máy bay) (41,5%)…

Hình 8: Dịch vụ khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để thúc đẩy du lịch bền vững

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Xuất hiện hình thức mới là du lịch dựa vào cộng đồng.

Một trong những tác động tích cực của đại dịch là mọi người đang tìm kiếm những trải nghiệm địa phương và dành nhiều thời gian hơn cho cộng đồng. Vì vậy, khái niệm du lịch dựa vào cộng đồng là một khái niệm đặt cộng đồng làm trung tâm của mọi sự phát triển, đảm bảo rằng cộng đồng được tham gia, trao quyền và mang lại lợi ích. Cộng đồng sẽ tham gia vào quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động du lịch. Mục đích thực sự là đặt cộng đồng và các hoạt động văn hóa vào trung tâm của trải nghiệm du lịch. Hình thức này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Du khách có thể có trải nghiệm đích thực. Họ không ở những địa điểm đông đúc, họ sẽ được trải nghiệm những điều mới mẻ và độc đáo trong cộng đồng. Những trải nghiệm này được thiết kế với sự hợp tác của các cộng đồng, những người nhận được lợi ích từ việc tiếp cận tài chính và nếu các hoạt động được thiết kế phù hợp, sẽ củng cố di sản văn hóa của chính cộng đồng.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy khách du lịch trong nước coi du lịch cộng đồng là một phần giúp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững: Tránh đi du lịch vào mùa cao điểm giúp giảm sức chứa tại điểm du lịch (81,5%); Mua đặc sản địa phương từ người dân địa phương (60,0%); Mua thực phẩm từ các nhà hàng địa phương thay vì các chuỗi nhà hàng (53,9%)…

Hình 9: Những điều giúp thúc đẩy du lịch bền vững

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022

Du lịch chăm sóc sức khỏe lên ngôi.

Theo UNWTO, du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu COVID-19. Viện Sức khoẻ Toàn cầu (GWI) dự báo loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022. Du lịch sức khỏe là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ. Mục đích cốt lõi của du lịch chăm sóc sức khỏe chính là phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần.

Đánh giá hoạt động truyền thông của ngành Du lịch - Vận tải hành khách

Hình ảnh doanh nghiệp trên truyền thông sẽ góp phần xây dựng uy tín doanh nghiệp và được xem như yếu tố quan trọng có tác động đến tâm lý khách hàng. Kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report cho thấy hoạt động truyền thông đã tỏ rõ vai trò đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch và vận tải hành khách vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầy biến động vừa qua. Sự hiện diện của doanh nghiệp trong hai ngành đã được cải thiện đáng kể.

Hình 10: Top 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất về ngành du lịch

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Du lịch - Vận tải hành khách, tháng 10/2019-09/2022

Kết quả phân tích Media Coding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên truyền thông với ngành Du lịch: Sản phẩm (31,0%); Hình ảnh/ PR/ Scandal (11,5%); Tài chính/ Kết quả kinh doanh (10,9%) ; Giá (9,3%); và Khách hàng/ Quan hệ khách hàng (3,9%). So với giai đoạn nghiên cứu tháng 10/2019-9/2020, trong 2 năm trở lại đây có sự gia tăng về lượng tin ở hai nhóm chủ đề là Sản phẩm và Khách hàng/ Quan hệ khách hàng. Với sự gia tăng đáng kể của khách du lịch nội địa và quốc tế, ngành du lịch được dự báo là sẽ sớm phục hồi lại như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Để có thể thúc đẩy nhu cầu đi du lịch của khách, các doanh nghiệp lữ hành đã tích cực quảng bá về những sản phẩm du lịch mới, các chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách mua tour nhằm thu hút khách du lịch và kích thích hoạt động du lịch sôi động trở lại.

Thống kê số lượng tin theo tháng cho thấy, kể từ quý 3 năm 2021 khi Chính phủ bắt đầu thực hiện chiến dịch “Sống chung với dịch”, lượng tin tức liên quan đến du lịch đã trở nên sôi động trở lại. Ngoài ra, lượng tin còn tăng đáng kể trong giai đoạn tháng 5-8. Đối với ngành du lịch, bốn tháng này được coi là mùa cao điểm hè, thông thường chiếm tới 70% doanh thu cả năm của ngành du lịch. Trong những tháng này, lượng du khách tìm kiếm các địa điểm du lịch, tour du lịch và các công ty du lịch tăng đáng kể. Vậy nên để đạt được hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp lữ hành sẽ thực hiện mạnh mẽ các chiến dịch truyền thông về sản phẩm du lịch, những chương trình khuyến mại sốc để thu hút lượng lớn khách hàng tham gia vào thị trường du lịch.

Xét về tin tích cực – tiêu cực theo chủ đề, trong 5 chủ đề được phân tích có đến 4 chủ đề có sự gia tăng về tỷ lệ tin tích cực, phản ánh bức tranh phục hồi tươi sáng của ngành Du lịch trong giai đoạn vừa qua. Chỉ có chủ đề về Tài chính/KQKD là có sự gia tăng đột biến về tỷ lệ tin tiêu cực (+23,1%). Đa phần những thông tin tiêu cực này đều liên quan đến việc doanh nghiệp ngành du lịch bị lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Tóm lại, đại dịch đã đưa ngành du lịch trở lại điểm xuất phát. Những thành quả khống chế dịch bệnh và chọn thời điểm mở cửa du lịch phù hợp đã giúp ngành công nghiệp không khói phần nào gượng dậy. Tuy nhiên, chặng đường để có thể quay lại mức tăng trưởng thần kỳ nhiều năm trước vẫn còn khó khăn. Sự phục hồi thực sự sẽ chỉ có thể thực hiện được khi du lịch quốc tế quay trở lại. Điều này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và các giải pháp dựa trên bằng chứng để những hạn chế đi lại được dỡ bỏ một cách an toàn. Áp lực tái cấu trúc toàn diện để tạo bộ mặt mới và khởi động lại nền kinh tế dịch vụ đang đặt ra bài toán mà ngành du lịch trong nước cần nhanh chóng tìm lời giải. Sự tồn tại của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Du lịch - Vận tải hành khách đang gặp rủi ro nếu không có sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ. Nghiên cứu của Vietnam Report chỉ ra các ưu tiên chính sách chính bao gồm: (1) Khôi phục sự tự tin của khách du lịch; (2) Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thích ứng và tồn tại; (3) Thúc đẩy du lịch trong nước và hỗ trợ du lịch quốc tế trở lại an toàn; (4) Cung cấp thông tin rõ ràng cho khách du lịch và doanh nghiệp, và hạn chế sự không chắc chắn (trong phạm vi có thể); (5) Phát triển các biện pháp ứng phó để duy trì năng lực trong ngành và giải quyết những thiếu hụt trong hỗ trợ; (6) Tăng cường hợp tác trong và giữa các quốc gia; và (7) Xây dựng nền du lịch bền vững và bền vững hơn.

 

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp du lịch, lữ hành tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng về các doanh nghiệp ngành Du lịch và Vận tải hành khách (từ tháng 10/2020-9/2022). Các bài báo được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

 

 

Vietnam Report