Thận trọng ứng phó bất ổn thương mại

13/11/2019

Chuyên mục:

Các doanh nghiệp Việt cần phải đặt vấn đề nên làm gì để “sống sót” trước những bất ổn thương mại trên thế giới mà đến nay cho thấy chỉ mang lại cơ hội trong ngắn hạn và ẩn chứa rủi ro trong dài hạn.

TS. Steven Clarke (Đại học RMIT) cho biết khu vực Đông Bắc của Hà Nội (như tỉnh Bắc Ninh) và một số tỉnh, thành ở phía Nam đang thu hút dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc nhằm lẩn tránh liên luỵ trong thương chiến Mỹ - Trung.

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Tuy nhiên, Việt Nam cần hết sức thận trọng cho sự dịch chuyển này, trước hết là cần ngăn chặn hàng Trung Quốc chuyển tải, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (XK) đi Mỹ, bởi điều đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cả một quốc gia đang có nhiều nỗ lực bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Việt Nam.

Chia sẻ với các giám đốc tài chính (CFO) doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn quốc tế CFO Việt Nam 2019 tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 12/11 có chủ đề “Thương mại toàn cầu: Thêm chủ động, bớt ứng phó”, ông Clarke lưu ý phía Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến thương mại tại Việt Nam khi mà Việt Nam đang là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Việc XK hàng hóa đi Mỹ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng những hệ lụy tiềm ẩn: vừa thu hút dòng vốn dịch chuyển vừa đẩy mạnh XK khiến cho những quốc gia khác trở nên “ghen tỵ” với Việt Nam.

Thế Vinh

Theo Thời báo kinh doanh

“Do đó, CFO trong các DN tại Việt Nam cần nắm rõ tình hình để đưa ra các cảnh báo kịp thời từ những bất ổn thương mại. Nhất là những biến động trong môi trường kinh doanh và những cái bẫy có thể giăng với DN, nhằm chủ động ứng phó, lên kế hoạch trước cho tương lai”, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia quốc tế, các DN Việt cần phải đặt vấn đề là nên làm gì để “sống sót” trong giai đoạn kinh doanh có nhiều bất ổn từ căng thẳng thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung?

“Đừng để nước đến chân mới nhảy” là điều mà DN Việt cần lưu tâm. Các DN một mặt phải theo dõi chặt chẽ bất kỳ sự biến động và thay đổi chính sách, mặt khác vẫn luôn hết sức cảnh giác trước những nguy cơ của hiệu ứng lan toả và rủi ro thị trường. Đặc biệt, không chỉ chủ động nắm bắt cơ hội mà còn tận dụng triệt để, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Eduardio Francisco, Chủ tịch Hiệp hội quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI), cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế khi đón nhận dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam cần chứng minh cho được những thế mạnh thực sự trong việc đón nhận sự chuyển dịch này.

“Các nhà quản lý Việt Nam nên để mắt đến những DN Trung Quốc giả mạo xuất xứ. Các nhà sản xuất Việt Nam cũng cần gia tăng giá trị sản phẩm khi XK sang Mỹ. Để tránh bất lợi lâu dài, Việt Nam cần rút ra bài học từ Philippines vốn đã từng gặp vấn đề với hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ”, ông Eduardio chia sẻ.

Rủi ro trong dài hạn

Phân tích vấn đề mà Philippines đang gặp phải, Chủ tịch IAFEI cho biết các DN ở nước này ngày càng thận trọng khi bán cổ phần cho DN Trung Quốc.

Dưới góc nhìn của DN trong nước, ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD), cho biết phòng vệ thương mại trong thời gian qua tăng lên rất cao. Có những vụ việc đã và đang bộc lộ những yếu kém trong pháp lý về xuất xứ hàng hoá Việt Nam và hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt xuất sang nước ngoài. Điều này tạo ra sự lúng túng trong môi trường kinh doanh.

Mặt khác, trước những căng thẳng thương mại, các DN cần theo dõi các vấn đề liên quan đến tài chính và tiền tệ, quan tâm đến quản trị tài chính, tỷ giá vốn biến động hàng ngày.

“Hơn nữa, điều mà các DN Việt nên lưu tâm là năng lực quản trị. Có hay không có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì chúng ta vẫn đang đối mặt điểm yếu của quản trị. Các công ty gia đình, DN vừa và nhỏ, thậm chí các công ty lớn thời gian qua đã bộc lộ rõ khả năng quản trị rủi ro vẫn còn yếu”, ông Tiến nói.

Giới chuyên gia quốc tế nhận định diễn biến thương chiến Mỹ - Trung tính đến nay đã mang lại một số cơ hội mang tính ngắn hạn cho nền kinh tế và cho DN Việt Nam, đòi hỏi cần phát huy. Điều này có thể thấy từ năm ngoái khi XK của Việt Nam tăng gần 7%; trong 9 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI đã tăng 7-8% so với năm 2018.

Thế nhưng, dường như Việt Nam chưa sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển khi mà cơ sở hạ tầng, logistics còn yếu kém. Điển hình như hệ thống cảng biển rất yếu, công suất nhỏ (có tới 40% tổng container quốc tế qua hệ thống cảng biển của Trung Quốc, trong khi Việt Nam chỉ đạt hơn 2%).

Cùng với những hạn chế khác về nguồn nhân lực, giá đất, chuỗi cung ứng, hệ thống pháp luật… sẽ khiến cho Việt Nam khó khai thác được những lợi thế trong trung hạn đối với dòng vốn dịch chuyển.

Theo lưu ý của Chủ tịch VACD, Chính phủ nên xem đây là bài toán cần giải quyết, nhất là khi căng thẳng thương mại ẩn chứa rất nhiều rủi ro trong dài hạn, bộc lộ những vấn đề mà nền kinh tế cũng như cơ cấu quản trị quốc gia của Việt Nam vẫn còn yếu. Mặt khác, điều này cũng bộc lộ sâu sắc hơn những vấn đề mà mỗi DN Việt cần phải hoàn thiện.

Vietnam Report