Ngành dược Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong liên tục 10 năm qua nhưng đồng thời cũng đối mặt với hàng loạt thách thức về công nghệ sản xuất, về tuân thủ tiêu chuẩn cũng như hệ thống quản trị chưa bắt kịp xu thế, đặc biệt về công nghệ AI, Cloud. Chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu, làm sao chứng minh hiệu quả trước đầu tư là các vấn đề được các lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam và các nhà công nghệ SAP, FPT IS cùng đưa ra thảo luận
Hội thảo “Tối ưu hóa vận hành trong ngành sản xuất – kinh doanh Dược phẩm” do Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam phối hợp với hãng SAP Việt Nam và công ty FPT IS tổ chức đã thu hút gần 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam tham dự và cùng chia sẻ các góc nhìn về bức tranh, cơ hội phát triển ngành dược cũng như cách thức tận dụng công nghệ làm lợi thế cạnh tranh.
Dư địa rộng mở cho doanh nghiệp Dược Việt Nam và thách thức đặt ra
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký và Chánh Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam nhận định, ngành dược toàn cầu và tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các doanh nghiệp phải đối diện với áp lực từ cả bên ngoài lẫn bên trong, bao gồm việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, và thách thức lớn nhất là tiêu chuẩn tuân thủ tuyệt đối từ ngành dược.
Bà Hà cũng đánh giá, thực tế ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều nhà máy dược chưa thể hoàn thiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, tình hình phổ biến nhất là đa số các doanh nghiệp đầu tư các trang thiết bị riêng lẻ, lắp ghép từng phần dây chuyền sản xuất. Điều này khiến quá trình điện toán hoá, số hoá trở nên khó khăn. Khi xảy ra các sự cố thì việc khắc phục rất tốn kém và mất thời gian, nhiều nhà máy bắt đầu áp dụng hệ thống thiết bị tiên tiến nhưng mới chỉ là kết quả của sự cố gắng riêng lẻ, còn quãng đường dài để ngành công nghiệp dược biến thành nhà máy thông tin, nền y tế thông minh.
“Chuyển đổi số là lời giải then chốt trong việc giúp cho doanh nghiệp dược chủ động kinh doanh hiệu quả hơn, để đạt được mục tiêu kinh doanh và cạnh tranh toàn cầu. Việc ứng dụng giải pháp quản trị nền tảng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, AI, phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ số khác đã làm thay đổi cách mà các công ty dược phẩm nghiên cứu phát triển và phân phối cung cấp thuốc, cho phép nhà máy sản xuất có cái nhìn toàn diện về công đoạn quá trình sản xuất, tiết kiệm nguồn nhân lực tài chính, cải thiện sự hài lòng của khách hàng”, bà Nguyễn Diệu Hà nhận định.
Về cơ hội phát triển của ngành, PGS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ Trưởng Bộ y tế, Nguyên Chủ Tịch hội đồng cấp số đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm làm thuốc Bộ Y tế chia sẻ, trong chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược phẩm, Chính phủ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và tập trung vào hiện đại hóa để ngành dược Việt Nam có thể ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới. Ngành công nghiệp dược của Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 7,3%, chi tiêu thuốc/đầu người hiện là 7,5 USD/năm – gấp 150 lần năm 1990. Năm 2023, thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, PGS.TS cho rằng “Thực trạng dân số Việt Nam “chưa giàu đã già”, mỗi người trung bình có ít nhất trong 3,5 bệnh, tạo ra nhu cầu lớn về các loại thuốc điều trị bệnh mãn tính và thuốc sinh học. Dự kiến, thị trường thuốc sinh học sẽ chiếm 55% vào năm 2050 – đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể bắt kịp với các quốc gia lớn như Trung Quốc trong cuộc đua phát triển thuốc mới và đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Việt Nam hiện có 3500 loại thuốc nhưng không có 1 viên thuốc biệt dược gốc trong khi các hoạt chất mới được cấp phép ngày càng ít với chi phí ngày càng cao. Từ câu chuyện dịch Covid-19 đã thấy rõ bài toán an ninh về Y tế phụ thuộc vào ngành dược nên chúng ta phải luôn nâng cao năng lực sản xuất để làm chủ và phục vụ được nhu cầu của quốc gia, cho tất cả người dân. Về năng lực toàn cầu hoá, thị trường xuất khẩu tại Việt Nam đạt 500 triệu USD nhưng 23% trong số đó là của các công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam để sản xuất giá rẻ”.
Với dư địa tăng trưởng lớn, ngành dược Việt Nam đang đón nhận nhiều cơ hội để phát triển mạnh. PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm chủ trên thị trường nước nhà, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị và vaccine, đồng thời ứng dụng công nghệ 4.0, điện toán đám mây, AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Để chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần quyết tâm, mọi thay đổi phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất”.
Thực tế cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để tận dụng chúng. Dựa trên nghiên cứu của McKinsey, các công ty dược phẩm có thể đạt được tăng trưởng doanh thu lên đến 20% và giảm chi phí lên tới 30% nhờ vào việc áp dụng công nghệ số. Đặc biệt, việc sử dụng phân tích dữ liệu và tự động hóa giúp cải thiện hiệu quả quy trình và giảm chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư và triển khai chuyển đổi số, còn lại đa phần vẫn đang lúng túng, thiếu chiến lược và nguồn lực cần thiết. Hội thảo cùng đưa ra thảo luận cho các câu hỏi như doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào để đạt hiệu quả, cân bằng giữa chi phí, làm sao để các doanh nghiệp thấy rằng đây là sự đầu tư mang lại hiệu quả.
Quyết tâm chuyển đổi số đưa công nghệ trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi
Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp dược tiên phong trong chuyển đổi số đã đưa ra những góc nhìn thực tiễn từ kinh nghiệm đầu tư và triển khai, cách họ vượt qua thách thức thị trường, mang lại những hiệu quả từ chiến lược chuyển đổi số đúng đắn.
Với 46 năm phát triển, Imexpharm được coi là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành dược Việt Nam. Công ty hiện có 4 cụm nhà máy sản xuất trong đó 1 cụm nhà máy đạt chuẩn WHO, 3 cụm nhà máy đạt chuẩn EU GMP. Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc Imexpharm chia sẻ về hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Kiên định với chiến lược đặt chất lượng lên hàng đầu, từ năm 1997 Imexpharm đã đầu tư và đạt chuẩn GMP Asean. Với nền tảng đó đòi hỏi công ty phải minh bạch, tuân thủ quy trình, phải áp dụng phần mềm cao cấp. Vào năm 2012, ban quản trị Imexpharm nhìn nhận đây là cơ hội tốt để tái cấu trúc doanh nghiệp, chuẩn bị đón đầu một đợt sóng tăng trưởng mới và đã đầu tư triển khai hệ thống SAP S/4HANA.
“Ban đầu công bố dự án, đã có nhiều lo ngại và phản đối từ cán bộ nhân viên và lãnh đạo các cấp do sự xáo trộn trong công việc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự quyết tâm từ ban lãnh đạo, chúng tôi cam kết, tạo động lực và sự đồng thuận trong toàn thể công ty và thực tế đã chứng minh đó là quyết định đúng đắn. Sau đó, chúng tôi tiếp tục nâng cấp sang hệ thống RISE with SAP – là phiên bản trên nền tảng đám mây để tiếp tục minh bạch hơn nữa, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu, sẵn sàng và quản trị bằng dữ liệu thời gian thực, ra quyết định kịp thời. Điều này giúp công ty tăng trưởng nhanh chóng, đạt các mục tiêu ESG, đồng thời tiết kiệm chi phí nhờ chuẩn hóa quy trình” – ông Duy chia sẻ.
Kết quả kinh doanh những năm qua cũng như 6 tháng đầu năm 2024 của Imexpharm đã minh chứng điều này với những con số ấn tượng, doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu bán hàng trên kênh ETC trong nửa đầu năm tăng 33% so với cùng kỳ; Doanh thu bán hàng qua kênh chuỗi tăng 141% so với nửa đầu năm ngoái…
Đại diện cho GONSA – công ty dược trẻ tuổi đang có những bước tiến ấn tượng về kinh doanh cũng như tầm nhìn về đổi mới. Với định hướng “chuyên dịch vụ dược phẩm”, GONSA không ngừng tìm kiếm các giải pháp để nâng cao năng lực quản trị, sản xuất. Năm 2023, GONSA thực hiện chuyển đổi song song tới 5 phần mềm vận hành hệ thống WMS, ERP, OCS, TMS, Data Warehouse & Middleware. Đây là bước đi quyết đoán của Ban lãnh đạo Công ty, vì đa phần các doanh nghiệp chỉ lựa chọn thực hiện chuyển đổi số từ 1 đến 2 phần mềm cùng lúc. Chỉ trong vòng 6,5 tháng GONSA triển khai hoàn thành với 250 người tham gia các dự án chuyển đổi số, gần 2000 giờ làm việc, hơn 176 luồng tích hợp API của các hệ thống.
Ông Lê Vi Hiển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GONSA, chia sẻ về bước khởi đầu khi quyết định chuyển đổi số, công ty cũng gặp những trở ngại và lo lắng từ trong nội bộ. “Bàn tới chứ không bàn lùi – tranh luận chứ không tranh cãi. Ban lãnh đạo quyết tâm, truyền cảm hứng cho đội ngũ và dành mọi nguồn lực tập trung cao độ. Chúng tôi đưa ra các chính sách lương thưởng nóng cho mỗi dự án để ghi nhận khen thưởng cho nhân viên và khi đưa ra các nguyên tắc – mỗi vấn đề phải có tối thiểu 2 giải pháp đi cùng”, ông Hiển chỉ điểm một số nguyên tắc khi đưa ra quyết định tại công ty.
Theo ông Hiển, GONSA xác định định hướng về phân phối và hậu cần trong ngành dược, vì vậy tính minh bạch và tuân thủ là yếu tố cốt lõi và việc phát triển cơ sở hạ tầng cùng hệ thống công nghệ từng bước là cần thiết để đảm bảo điều này. Ông cũng nhấn mạnh rằng chuyển đổi số là một hành trình gian nan, yêu cầu sự tham gia của nhiều bên liên quan, và tiêu chí quan trọng nhất trong việc chọn đối tác là giải pháp phù hợp kết hợp với khả năng triển khai hiệu quả.
Ông Hiển chia sẻ thêm, để có những thành công trong quá trình chuyển đổi số, Ban lãnh đạo công ty cần tạo ra sự thống nhất và đoàn kết trong tổ chức về chiến lược, nguồn lực để đảm bảo quá trình triển khai được xuyên suốt; Kế tiếp, tìm kiếm đơn vị công nghệ am hiểu, có bề dày kinh nghiệm cùng đồng hành; Xác lập mục tiêu và cột mốc thời gian thực hiện; Tổ chức dự án đúng người đúng việc; Xây dựng chính sách động viên khen thưởng kịp thời; Chuẩn hoá dữ liệu và sau cùng là công tác truyền thông nội bộ.
Là đối tác đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trong đó có ngành dược, ông Đặng Trường Thạch – Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty FPT IS cho rằng “Các dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành Dược mà FPT IS đã đồng hành đều hướng tới mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp trong ngành tận dụng sức mạnh công nghệ, tháo gỡ bài toán đặc thù, đề cao sứ mệnh “Song hành kiến tạo”, cùng các doanh nghiệp ngành Dược hợp sức, cộng hưởng tiềm lực và không ngừng phát triển. Trong đó, chúng tôi tin tưởng việc tiên phong ứng dụng các công nghệ như điện toán đám mây, AI là xu hướng không thể từ chối đối với mọi doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dược nói riêng”.
Ông Thạch cho biết FPT IS đã có kinh nghiệm đồng hành thực tiễn và thấu hiểu các thách thức trong chuyển đổi số ngành dược như quy trình chuyên biệt phức tạp cùng hệ thống tiêu chuẩn cần phải tuân thủ; bài toán dữ liệu đa dạng về loại hình dữ liệu, yêu cầu cao về tính chính xác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu, khách hàng, nhà cung cấp, Hồ sơ R&D và Kiểm nghiệm, Hồ sơ lô sản xuất, đơn thuốc… bao gồm cả số liệu, hình ảnh, văn bản; chưa kể thách thức về nhiều hệ thống quản trị từ ERP, MES, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ, hệ thống vận chuyển…cần kết nối xuyên suốt chuỗi giá trị vận hành sản xuất/kinh doanh.
Dựa trên việc am hiểu bài toán của ngành, FPT IS hiện có thế mạnh là đối tác của các khách hàng lớn như Công ty Cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc Vinphaco, Công ty CP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định Bidiphar, Boston Pharma, GONSA…Bằng năng lực triển khai và am hiểu sâu sắc về ngành dược phẩm, FPT IS tự tin song hành cùng mọi doanh nghiệp dược phẩm xây dựng thành công hệ thống ERP, tạo ra lợi thế cạnh trong trong thời đại số.
Ông Thạch cũng đưa ra nguyên lý “3 đúng + 1” được đúc kết từ việc đồng hành cùng khách hàng. Đó là, để đảm bảo thành công trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần lựa chọn đúng giải pháp, đúng đối tác và đúng nhân sự. Giải pháp cần phù hợp với bài toán đặc thù, có các best-practice trong ngành tại nhiều quốc gia. Đối tác chiến lược phải có đủ kinh nghiệm, uy tín và khả năng cung cấp dịch vụ/sản phẩm toàn diện, đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp. Đội ngũ nhân sự cần đúng người, sẵn sàng và làm chủ được hệ thống. Cuối cùng, sự cam kết nhất quán từ Ban Lãnh đạo chính là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Các giải pháp tối ưu vận hành và sản xuất ngành dược
Trước các bài toán đặt ra, từ góc nhìn công nghệ, các chuyên gia FPT IS và SAP đã cùng đề xuất các giải pháp công nghệ tập trung giải bài toán về tối ưu vận hành và sản xuất cho ngành.
Ông Trần Công Sơn – Giám đốc Tư vấn Giải pháp SAP Việt Nam, đã chia sẻ về mô hình doanh nghiệp thông minh dành cho các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Với kinh nghiệm triển khai thành công cho hơn 3.800 khách hàng toàn cầu trong lĩnh vực khoa học và đời sống, mô hình này tích hợp các giải pháp toàn diện cho toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp dược, bao gồm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mua sắm, sản xuất, phân phối, và quản lý chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, SAP đã tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác vào các quy trình kinh doanh, giúp tự động hóa và tối ưu hóa hoạt động. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp dược phẩm tăng trưởng doanh thu và giảm chi phí mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo tuân thủ các quy định quốc tế như GxP và DSCSA/EU Serialization. Ngoài ra, mô hình này cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hướng tới việc tối ưu vận hành và sản xuất cho ngành Dược, FPT IS đã phát triển giải pháp eBR và nền tảng phân tích dữ liệu Usee. Giải pháp eBR cho phép doanh nghiệp theo dõi toàn bộ yếu tố trong quy trình sản xuất, thu thập dữ liệu và đánh giá chất lượng theo thời gian thực, nhờ đó giảm thiểu nguy cơ mắc lỗi và đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất. Việc áp dụng eBR mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm tăng tính minh bạch, giảm sai sót và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Hơn nữa, eBR tích hợp toàn diện với ERP và MES, cung cấp cái nhìn toàn cảnh, nâng tầm chiến lược quản trị doanh nghiệp, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực.
Trong khi đó, nền tảng Usee sử dụng dữ liệu quá khứ để huấn luyện các mô hình học máy, từ đó dự báo nhu cầu hàng hóa trong tương lai. Usee kết hợp với dữ liệu tồn kho tại cửa hàng và các yếu tố đặc trưng như mùa vụ, chương trình khuyến mại và ngày lễ, để đưa ra gợi ý phân chia hàng hóa tối ưu cho từng mã sản phẩm tại từng cơ sở, điểm bán hàng.
Ứng dụng AI trong ngành Dược phẩm đang tạo ra những thay đổi đáng kể, với tiềm năng gia tăng lợi nhuận hoạt động gấp đôi. Tích hợp eBR với hệ thống MES và ứng dụng AI giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu thời gian thực làm thúc đẩy hiệu quả vận hành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để thành công, doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược và phương pháp triển khai phù hợp để tận dụng tối đa sức mạnh của AI và công nghệ tiên tiến.
Với 30 năm kinh nghiệm, FPT IS đã đã triển khai thành công hàng trăm dự án ERP và MES trong các lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Ðông, Ðông Nam Á và Việt Nam. Dựa trên best-practice của SAP, tổng hoà cùng hệ sinh thái Made by FPT IS đa dạng và chuyên sâu cho ngành Dược phẩm, FPT IS hướng tới mục tiêu song hành cùng doanh nghiệp tận dụng sức mạnh công nghệ, xâu chuỗi toàn trình bài toán quản trị, nâng hạng sản xuất, gia tăng lợi thế kinh doanh.
Trong thời gian tới, FPT IS cùng các đối tác như SAP sẵn sàng song hành cùng doanh nghiệp dược cập nhật các xu hướng mới nhất, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Theo FPT IS