Công bố Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019

23/12/2019

Chuyên mục:

Ngày 23/12/2019, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019, bên cạnh những kết quả nghiên cứu về thị trường vận tải và logistics của Việt Nam trong thời gian qua.

Top 10 Công ty uy tín ngành Vận tải và Logistics được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát các chuyên gia trong ngành và Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019…

Lễ công bố chính thức Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019 tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.

Danh sách Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019 - Nhóm ngành: Giao nhận, kho bãi và chuyển phát…

Nguồn: Vietnam Report

Danh sách Top 10 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019 - Nhóm ngành: Vận tải hàng hóa

Nguồn: Vietnam Report

Danh sách Top 5 Công ty Vận tải và Logistics uy tín năm 2019 - Nhóm ngành: Vận tải hành khách

Nguồn: Vietnam Report

Hiện tại ở Việt Nam có khoảng trên 4.000 công ty Vận tải và Logistics trong nước cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…; trong đó 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics nội địa còn thấp so với doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp ít hơn nhưng chiếm 70% - 80% thị phần. Dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.

Theo công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ, từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm. Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng.

Hình 1: Chỉ số hoạt động logistics (LPI) Việt Nam từ 2007 – 2018

Nguồn: Báo cáo điều tra về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của WB

Tiềm năng tăng trưởng của ngành Vận tải và Logistics

Ngành Vận tải và Logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới đến từ việc Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển, cùng với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều Hiệp định thương mại được ký kết, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.

Ngoài ra, ngành Vận tải và Logistics cũng có thêm nhiều cơ hội mở ra từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Đông Nam Á. Theo đó, có tới gần 91% các doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng mức tăng trưởng của ngành trong năm 2020 sẽ trên 10%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định mức tăng trưởng đạt 14% - 16%, theo chỉ số trung bình của những năm gần đây.

4 xu thế phát triển chính     

Nguồn: Vietnam Report

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong ngành Vận tải và Logistics

Với sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain, trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi...

Tuy hiện nay, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản..., nhưng theo nhận định của gần 80% các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report thì trước xu hướng số hóa, các doanh nghiệp trong ngành Vận tải và Logistics Việt Nam sẽ dần thích ứng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, nhằm chuẩn hóa quy trình vận hành, tối ưu chi phí và nguồn lực của doanh nghiệp, giám sát và tăng cường khả năng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ, và gia tăng sự trung thành của khách hàng.

Xu hướng mua sắm trực tuyến mở cơ hội cho các doanh nghiệp Vận tải và Logistics

Với tỷ lệ 70% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần đã tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển mạnh. Năm 2018, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD, có mức tăng trưởng 30% so với 2017 và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành. Nhiều trang thương mại điện tử cũng đầu tư vào xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dùng. 

Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tiếp tục sôi động trong lĩnh vực Vận tải và Logistics

Các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report đã đưa ra dự báo trong vòng 2 – 3 năm tới, làn sóng M&A vẫn tiếp tục sôi động trong lĩnh vực Vận tải và Logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và tác động của cuộc cách mạng 4.0.

Cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của ngành Vận tải và Logistics Việt Nam và khả năng cạnh tranh kém của các doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics Việt Nam thông qua hình thức M&A để tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu đô, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) cổ phần của Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD, SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.

Hoạt động M&A cũng tạo ra thách thức cho doanh nghiệp nước phải cải tiến và đổi mới để tối ưu doanh nghiệp của mình, nhưng cũng là cơ hội tốt cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp khác khi được học tập kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, tối ưu hóa chi phí logistics của các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong nhiều châu lục.

Xu hướng đầu tư vào kho, trung tâm logistics và chuỗi cung ứng lạnh

Với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng…, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối… một cách chuyên nghiệp theo hướng hiện đại với chất lượng cao. Tính đến đầu năm 2019, trên toàn quốc có 6 trung tâm logistics lớn được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành.

Trong thời gian gần đây, chuỗi cung ứng lạnh có sự tăng trưởng cao do tăng số lượng kho lạnh, tăng trưởng trong ngành thực phẩm chế biến và ngành dược phẩm, công nghệ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research (2019), quy mô thị trường logistics chuỗi lạnh toàn cầu được đạt giá trị 159,9 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ đạt khoảng 590 tỷ USD vào năm 2026. Mặc dù thị trường chuỗi cung ứng lạnh nói chung và kho lạnh nói riêng tại Việt Nam bị đánh giá là nhỏ lẻ và manh mún, tuy nhiên thị trường đang mở rộng và được kỳ vọng có những bước phát triển mới trong năm 2020.

5 thách thức của ngành Vận tải và Logistics

Kết quả khảo sát của Vietnam Report ghi nhận 5 thách thức lớn nhất của ngành Vận tải và Logistics Việt Nam hiện nay, bao gồm: (1) Cơ sở hạ tầng còn yếu kém; (2) Thiếu hụt nguồn lao động trong ngành Vận tải và Logistics được đào tạo chuyên sâu; (3) Thể chế, chính sách với ngành còn nhiều bất cập; (4) Thủ tục hành chính phức tạp; (5) Chi phí logistics cao.

Hình 2: Top 5 thách thức của ngành Vận tải và Logistics

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành Vận tải và Logistics tại Việt Nam, tháng 11/2019

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng là thách thức mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất với 81,82%. Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa đồng bộ dẫn đến dịch vụ vận tải đa phương thức gặp rất nhiều khó khăn, và chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước.Việc xây dựng các nguồn khu tập trung kho vận tại 3 miền đi kèm hệ thống kho bãi, cầu cảng, các đường giao thống chỉ mới bắt đầu tiến hành, còn chưa hoàn thiện, mới đáp ứng nhu cầu cho xuất nhập khẩu, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu nội địa, đặc biệt nhu cầu E-Logistics.

Thứ hai, nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý, các chuyên viên logistics giỏi, hiểu biết luật pháp quốc tế, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn... Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lương dịch vụ cũng như tăng lợi nhuận của công ty, theo đó có 63,64% doanh nghiệp khảo sát lựa chọn thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng là thách thức phát triển với ngành Vận tải và Logistics.

Thứ ba, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đột phá để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành Vận tải và Logistics phát triển, tuy nhiên vẫn có tới 54,55% doanh nghiệp đánh giá còn nhiều bất cập, chẳng hạn như chính sách về xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa còn khá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn, Nghị định hướng dẫn chưa rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp mới để làm quen được gặp nhiều lúng túng, điều đó làm chậm đi nhịp phát triển của ngành logistics.

5 yếu tố ảnh hưởng nhất đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Vận tải và Logistisc, bao gồm cả những yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, tạo ra các tác động tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, hai yếu đó được đánh giá có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của doanh nghiêp đạt 4,09 điểm (tính theo thang điểm 5) là chất lượng nguồn nhân lực, khả năng quản trị doanh nghiệp và giá dầu trên thế giới bất ổn, tăng cao.

Hình 3: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Vận tải và Logistics

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành Vận tải và Logistics tại Việt Nam, tháng 11/2019

Sự hạn chế về quy mô doanh nghiệp, vốn, về kinh ngiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động logistics quốc tế, điều này khiến cho chi phí dịch vụ của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics của Việt Nam cao, chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, việc phát triển các ứng dụng công nghệ vào ngành dịch vụ, doanh nghiệp nào tận dụng được xu thế, giải quyết được bài toán quản trị và nhân lực sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng suất lao động và giảm chi phí logistics.

Theo báo cáo Hiệp hội VATA, tháng 10/2018, giá nhiên liệu là nhân tố chính trong chi phí dịch vụ logistics, ảnh hưởng trực tiếp gia tăng chi phí logistics, chi phí nguyên liệu chiếm khoảng 40% chi phí vận tải đường bộ, khi giá nhiên liệu sẽ tăng cao, theo đó sẽ làm gia tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành.

Xếp thứ ba về mức độ ảnh hưởng là các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết với 3,82 điểm, tiếp theo đó là tình hình kinh tế vĩ mô chung và sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3,73 điểm. Các doanh nghiệp kỳ vọng những Hiệp định thương mại được ký kết sẽ tác động tích cực tới nhu cầu cũng như chi phí logistics, kinh tế tăng trưởng ổn định đi kèm với đó là sự gia tăng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với các thị trường trong Hiệp định sẽ góp phần cải thiện doanh thu của ngành logistics.

8 yếu tố cần cải thiện đối với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng ngành Vận tải và Logistics

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra những yếu tố cần cải thiện đối với doanh nghiệp Vận tải và Logistics, trong đó có 72,73% doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy (chiếm 63,63%), sự đúng hạn của các lo hàng khi tới điểm đích (45,45%), độ đáp ứng (45,45%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,36%) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,18%).

Hình 4: Top 8 yếu tố cần cải thiện của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng ngành Vận tải và Logistics

 

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Vận tải và Logistics tại Việt Nam, tháng 11/2019

Khuyến nghị các giải pháp cho phát triển ngành Vận tải và Logistics Việt Nam

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành trong khảo sát của Vietnam Report đã đưa ra một số giải pháp khuyến nghị để phát triển ngành, trong đó ưu tiên vào ba khía cạnh: (1) Hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động logistics, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hải quan, cắt giảm các khoản phí, lệ phí sử dụng hạ tầng; (2) Cải thiện cơ sở hạ tầng: giao thông, viễn thông và công nghệ thông tin; (3) Mở rộng đào tạo mạng lưới đào tạo nhân lực trong ngành logistics.

Hình 5: Những chính sách cần thực hiện để nâng cao hiệu quả dịch vụ Vận tải và Logistics trong năm 2020

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành Vận tải và Logistics, tháng 11/2019

Nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, quy mô thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng đem đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics, đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, môi trường kinh doanh luôn có sự biến đổi, nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng cao từ chỗ mong muốn về chất lượng, giá cả… đến mong muốn được đảm bảo và cam kết bởi thương hiệu, uy tín. Theo đó, các doanh nghiệp Vận tải và Logistics cần có giải pháp hiện đại hóa phương thức hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ, trình độ nhân lực, năng lực tài chính... Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng và nâng cao uy tín thương hiệu, yếu tố được đánh giá như cầu nối giúp doanh nghiệp đến gần hơn với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước.

Vietnam Report