Công bố Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020

29/09/2020

Chuyên mục:

Ngày 29/9/2020, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020.

Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2020.

Danh sách Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020 – Nhóm ngành: Giấy

TCBC Top 10 Bao bi 2020_Danh sach 1

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020, tháng 9/2020

Danh sách Top 10 Công ty Bao bì uy tín uy tín năm 2020 – Nhóm ngành: Nhựa


Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020, tháng 9/2020

Khái quát chung về ngành Bao bì Việt Nam: Tiềm năng song hành cùng sức ép

Mặc dù bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất nhưng giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của kinh tế. Các sản phẩm bao bì với nhiều hình ảnh, màu sắc, đặc trưng riêng không chỉ giúp bảo quản, tạo sự tiện lợi cho sản phẩm mà còn có thể tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm của khách hàng. Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Tập đoàn SPG Media – trị giá ngành công nghiệp bao bì toàn cầu, đạt khoảng 424 tỷ USD. Trong đó ngành bao bì châu Á chiếm 27%, châu Âu 30% và Bắc Mỹ là 28%. 

Thống kê sơ bộ cho thấy bao bì đóng gói thực phẩm chiếm 30% - 50%, điện - điện tử chiếm 5-10%, hóa dược phẩm từ 5-10%. Sự phát triển của ngành hàng thực phẩm của Việt Nam là tác nhân thúc đẩy lĩnh vực Bao bì đóng gói luôn đạt mức tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm, riêng bao bì nhựa đã đạt mức tăng trưởng 25%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất trong cơ cấu ngành nhựa (38-39%). Năm 2019, tổng lượng tiêu thụ của ngành giấy đạt 3.818 triệu tấn, trong đó sản xuất giấy làm bao bì chiếm khoảng trên 80%, giá trị xuất khẩu tăng mạnh đạt 641.000 tấn. Theo báo cáo hoạt động của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, doanh thu ngành nhựa đạt 17,58 tỷ USD, vẫn duy trì được sự tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó sản phẩm túi nhựa được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 26,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và đạt 894 triệu USD.

Thị trường vật liệu bao bì đóng gói toàn cầu được được chia thành các phân khúc: Giấy và bìa cứng, nhựa, kim loại, thủy tinh, gỗ, dệt may và các vật liệu thích hợp khác như xốp, da… Trong đó, giấy và nhựa là hai vật liệu được sử dụng nhiều nhất cho ngành bao bì, vì thế trong phạm vi của nghiên cứu về ngành bao bì của Vietnam Report chỉ tập trung phân tích các khía cạnh liên quan đến hai vật liệu này.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường ngành bao bì đang rất rộng mở, tuy nhiên các doanh nghiệp bao bì Việt Nam đang phải đứng trước rất nhiều sức ép và cạnh tranh lớn đến từ nhiều doanh nghiệp FDI. Chỉ tính riêng trong 2 năm là 2018 và 2019, đầu tư FDI vào ngành bao bì giấy Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng và đang chiếm hơn 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Hiện tại, trong nước có trên 300 doanh nghiệp giấy và khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa tham gia sản xuất. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là doanh nghiệp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, mẫu mã chủng loại sản phẩm còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tác động hỗn hợp của cơn bão Covid-19 đến ngành Bao bì

Đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành nghề và đời sống xã hội trên toàn thế giới, tác động hỗn hợp, cả tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp bao bì với sự thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến phân khúc bao bì đóng gói dược phẩm, thực phẩm đóng gói, dán nhãn chất khử trùng, và bao bì xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay hiện có nhu cầu cao. Mặt khác, nhu cầu về bao bì cho các sản phẩm sang trọng và công nghiệp có xu hướng giảm.

Xét trên khía cạnh chất liệu làm bao bì, đại dịch Covid-19 cũng có tác động trái chiều với hai chất liệu chính là giấy và nhựa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bao bì nhựa và bao bì giấy đều gặp những khó khăn chung dưới tác động của đại dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu từ khảo sát doanh nghiệp trong lĩnh vực bao bì của Vietnam Report đã chỉ ra 4 khó khăn, đó là: Đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh (83,33%); Khó khăn trong tiếp cận khách hàng mới (83,33%); Không triển khai được kế hoạch bán hàng (66,67%); Đảm bảo an toàn nơi làm việc (50%).

Hình 1: Khó khăn của doanh nghiệp bao bì dưới tác động của đại dịch Covid-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp ngành Bao bì, tháng 8/2020

Giống như trong nhiều ngành công nghiệp khác, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn lớn trong lĩnh vực bao bì do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, thiếu lực lượng lao động, nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu. Nhóm ngành bao bì giấy bị ảnh hưởng nặng nề dưới tác động kép, vừa thiếu nguyên liệu sản xuất lại vừa khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm khi nhiều ngành nghề khác sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giảm lượng hàng tiêu thụ do đó nhu cầu thị trường giảm xuống nhất là đối với loại bao bì thùng carton.

Đối với nhóm ngành bao bì nhựa, tác động đứt gãy chuỗi cung ứng chỉ trong ngắn hạn và có trên 75% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá đại dịch Covid-19 không tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí được hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu giảm xuống khi các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đạt được đồng thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng mới cùng với dịch Covid-19 làm hạn chế việc đi lại. Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong sản xuất tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu hạt P/E trên toàn cầu cũng góp phần giảm giá nguyên liệu sản xuất bao bì nhựa. Mặc dù dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng tiêu thụ bao bì nhựa của nhiều doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report do gắn liền với nhu cầu thiết yếu như túi đựng thực phẩm, rác v.v.

Triển vọng và xu hướng ngành bao bì

Bên cạnh những khó khăn phải đối mặt, doanh nghiệp bao bì cũng có nhiều cơ hội như: Quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng; Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), thuế nhập khẩu túi nhựa của Việt Nam vào EU với mức thuế suất là 3% sẽ được gỡ bỏ, sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp bao bì Việt Nam. Việc giá nguyên liệu duy trì mức giá thấp trong nhiều tháng liền giúp cho các doanh nghiệp bao bì nhựa cải thiện được biên lợi nhuận.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về triển vọng của các doanh nghiệp bao bì so với năm 2019, cho thấy sự phân hóa giữa hai nhóm ngành giấy và nhựa. Trong khi hầu hết doanh nghiệp bao bì nhựa nhận định tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn một chút, đa phần doanh nghiệp bao bì giấy lại đánh giá triển vọng kém lạc quan hơn một chút.

Top 4 xu hướng ngành bao bì trong thời kỳ bình thường mới

Mỗi ngành đều có xu hướng lớn, điều đó có nghĩa là những thay đổi tổng thể trên thị trường ảnh hưởng đến vị trí và cách trình bày sản phẩm của nhà sản xuất. Đi đầu trong sự thay đổi thị trường ngày nay từ cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử là một sự thay đổi rõ ràng về cách mọi loại sản phẩm được đóng gói, dán nhãn và chào bán. Dưới đây là top 4 xu hướng của ngành Bao bì cho năm 2020 và dưới tác động của đại dịch Covid-19. 

Trong ngắn hạn, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các lựa chọn vật liệu bền vững được xem xét lại

Một trong những xu hướng quan trọng của ngành trong những năm gần đây là sự thay đổi lớn trong tâm lý người tiêu dùng ủng hộ các giải pháp đóng gói thân thiện với môi trường. Trong khi Covid-19 không có khả năng ngăn chặn điều này về lâu dài, có thể có một số tác động đến tốc độ thay đổi trong ngắn hạn. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy sự thay đổi hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong việc sử dụng bao bì, đa phần ủng hộ việc hạn chế sử dụng sản phẩm bao bì tái sử dụng, nhu cầu lớn hơn trong việc truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng, quan tâm nhiều hơn đến vật liệu đóng gói bao bì và sẵn sàng trả tiền nhiều hơn với các sản phẩm được đóng gói đẹp mắt, hợp vệ sinh.

Hình 2: Tác động của đại dịch Covid-19 đến hành vi của khách hàng trong sử dụng bao bì

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng, tháng 8/2020

Với nhiều ưu điểm tiện lợi, giá cả phải chăng, các sản phẩm từ bao bì nhựa đang góp phần giữ an toàn cho mọi người trong đại dịch, nhưng đồng thời cũng là một bước lùi trong hành trình loại bỏ rác thải nhựa, khi nhiều quốc gia có tầm ảnh hưởng trong cuộc cách mạnh xanh lần lượt dời thời hạn cấm các vật dụng sử dụng nhựa một lần.

Ngành dịch vụ thực phẩm cũng đã phải xem xét lại cách tiếp cận của mình trong việc sử dụng các mặt hàng có thể tái sử dụng nhưng lại mang rủi ro lây truyền. Ngay cả trước khi đóng cửa, một số chuỗi cà phê đã quay trở lại sử dụng cốc dùng một lần. Sở thích của các nhà bán lẻ và khách hàng cũng có thể chuyển sang các mặt hàng đóng gói sẵn hơn, chẳng hạn như trái cây và rau quả, thay vì mua rời. Những lựa chọn như vậy có thể tăng tốc độ dự trữ, thời gian cho đến khi được người tiêu dùng coi là an toàn hơn.

Bao bì mềm sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo của Smithers Pira (cơ quan toàn cầu về chuỗi cung ứng ngành bao bì, giấy và in) ngành bao bì mềm sẽ tăng trưởng 3,3% mỗi năm để đạt 269 tỷ USD vào năm 2024. Sự tăng trưởng này chủ yếu do tiến bộ công nghệ làm cho lĩnh vực bao bì mềm phù hợp với nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn trước đây và đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng. Bao bì mềm có nhiều ưu điểm hơn so với bao bì cứng bởi các yếu tố như: thuận tiện hơn để mở, dễ dàng hơn để lưu trữ, thời gian sử dụng kéo dài, vận chuyển tốt hơn, phù hợp hơn cho ngành thương mại điện tử v.v.

Bao bì mềm cũng phát triển mạnh hơn nhờ vào sự tiến bộ nguyên vật liệu. Trong nhiều năm, hầu hết các vật liệu mềm dùng cho đóng gói là polyvinyl clorua, có hại cho môi trường. Hiện nay, hầu hết các bao bì mềm đều sử dụng vật liệu làm bằng polyethylene (PE), polyethylene terephthalate (PET) hoặc polypropylene (PP), có độ bền cao khi sử dụng và an toàn với thực phẩm, không gây nhiễm độc và nhiễm khuẩn cho thực phẩm.

Trong dài hạn, vật liệu đóng gói thân thiện với môi trường và bền vững sẽ tiếp tục được phổ biến

Năm 2019 đã chứng kiến ​​một số cuộc biểu tình về biến đổi khí hậu lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lịch sử thế giới với các cuộc biểu tình lớn ở khắp các quốc gia trên toàn cầu. Khi thế hệ Millennial và Gen-Z tiếp tục mở rộng vào lực lượng lao động và trở thành nhóm người tiêu dùng lớn hơn; tính bền vững, tái chế và các vấn đề môi trường sẽ tiếp tục được chú trọng.

Ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu đang định hình lại luật đóng gói đến năm 2025 ở tất cả các khu vực trên thế giới. Kể từ năm 2015, một sự đồng thuận rộng rãi đã được phát triển liên quan đến các vấn đề môi trường của chất thải bao bì, và đặc biệt là ô nhiễm từ bao bì nhựa. Các số liệu về rác thải nhựa được công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Trong 7 chương trình tổng thể mà EU đang sử dụng để hướng dẫn các khuôn khổ pháp lý dựa trên khí hậu, tập trung vào các lệnh cấm nhựa, sử dụng tối thiểu thuế và các ưu đãi tài chính như một đòn bẩy để khuyến khích các sản phẩm bao bì sử dụng bền vững. Theo đó, các thiết kế bao bì, lựa chọn vật liệu và cơ sở hạ tầng quản lý chất thải đang điều chỉnh cho phù hợp với khuôn khổ lập pháp mới nổi này.

Theo định hướng đến năm 2021, Việt Nam sẽ không sử dụng nhựa dùng một lần tại các cửa hàng, chợ, siêu thị và đến năm 2025 cả nước sẽ không sử dụng đồ nhựa một lần. Xu hướng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thách thức đối với ngành bao bì nhựa Việt Nam bởi trong cơ cấu xuất khẩu của ngành, các sản phẩm bao bì truyền thống không thân thiện với môi trường chiếm tỉ trọng tương đối lớn. Điều nay buộc các công ty sản xuất và kinh doanh bao bì phải thay đổi, cần tìm nguồn nguyên liệu an toàn, công nghệ sản xuất mới để giảm bớt tiêu hao nhiên liệu và không gây hại với môi trường. Nhiều thương hiệu đang chuyển đổi sang bao bì bền vững làm từ vật liệu phân hủy sinh học như giấy hoặc cây gai dầu, một số khác đang tập trung vào việc giảm số lượng bao bì mà mỗi sản phẩm có, giúp giảm trọng lượng và chi phí vận chuyển của sản phẩm, đồng thời gửi thông điệp tích cực đến người tiêu dùng.  

Bao bì chuyên dụng dành cho thương mại điện tử

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử sẽ chỉ phát triển khi người tiêu dùng tăng cường mua hàng trực tuyến. Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng tăng trưởng thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ năm 2019 ghi nhận doanh thu 10,07 tỷ USD chiếm 4,8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cuộc khủng hoảng Covid-19 có khả năng làm thay đổi một số xu hướng lớn trong công việc đóng gói. Người tiêu dùng trên toàn cầu sẽ ngày càng có xu hướng mua sản phẩm của họ thông qua các kênh khác với các kênh mà họ đã sử dụng trước đại dịch, dẫn đến sự tăng tốc mạnh mẽ của các lô hàng thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng tận nhà khác. Trong thời kỳ dịch bệnh, doanh số thương mại điện tử đã tăng trưởng bùng nổ. Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh có 55,83% tăng việc đặt mua thực phẩm, đồ uống qua ứng dụng trên điện thoại di động, so với 10% sẽ mua giảm đi.

Hình 3: Kênh thường sử dụng để mua thực phẩm, đồ uống trong thời gian ảnh hưởng của Covid-19

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng, tháng 8/2020

Smithers Pira ước tính thị trường thương mại điện tử hiện tại được định giá 35 tỷ USD và sẽ tăng lên 55 tỷ USD vào năm 2022. Theo đó, bao bì chuyên dụng dành riêng cho thương mại điện tử đang là xu hướng. Bao bì thương mại điện tử vẫn phản ánh các nguyên tắc cơ bản giống như khi mua sắm trực tiếp. Sản phẩm phải được trình bày chuyên nghiệp, được bảo vệ và làm hài lòng mong đợi của người tiêu dùng. Điều này sẽ ngày càng quan trọng khi mạng xã hội phát triển. Báo cáo của Smithers Pira chỉ ra 49% người tiêu dùng chia sẻ trải nghiệm mở hộp của họ trên phương tiện truyền thông xã hội.

Top 5 chiến lược của các doanh nghiệp bao bì trong thời kỳ bình thường mới

Trong thời kỳ bình thường mới, đội ngũ lãnh đạo trong các doanh nghiệp bao bì phải xây dựng một chiến lược phục hồi bao gồm kết hợp khả năng phục hồi tài chính, các kế hoạch hoạt động để khởi động lại hoạt động tại các nhà máy sản xuất có thể đã tạm thời đóng cửa. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá tiềm năng nhu cầu thị trường trong tương lai và các động thái chiến lược tập trung vào khách hàng, tìm hiểu tác động của Covid-19 đến sự lựa chọn bao bì của người tiêu dùng như yêu cầu vệ sinh, an toàn, thương mại điện tử, những lo ngại về ô nhiễm môi trường, bởi đây là một trong những yếu tố chủ chốt giúp doanh nghiệp ngành bao bì vượt qua cuộc khủng hoảng, định vị thương hiệu trên thị trường. Theo đó, có tới 85,71% chuyên gia và doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report lựa chọn mở rộng thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing là chiến lược hàng đầu.

Hình 4: Top 5 chiến lược của doanh nghiệp bao bì

Nguồn: Vietnam Report khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp ngành Bao bì, tháng 8/2020

Các công ty bao bì cũng giống như tất cả các công ty khác sẽ cần phải thích ứng để đối phó với đại dịch toàn cầu và trong đó có sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này buộc các công ty bao bì phải tìm kiếm các phương án dự phòng và hiểu rõ hơn về chuỗi cung ứng và các lỗ hổng của chúng, tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro về tài chính và đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu theo xu hướng “Trung Quốc +1”.

Với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 và đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19, 57,14% chuyên gia và doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report lựa chọn tăng cường số hóa các hoạt động vận hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tiến hành nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với mô hình thương mại điện tử.

Truyền thông của các doanh nghiệp bao bì

Mặc dù các doanh nghiệp bao bì đang chú trọng công tác marketing, nghiên cứu thị trường, tuy nhiên so với nhiều ngành khác, các doanh nghiệp bao bì làm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp đạt ngưỡng nhận thức. Một số doanh nghiệp bao bì xuất hiện nhiều trên truyền thông như An Phát Xanh, Tetrapak Việt Nam, Đông Hải Bến Tre, bao bì Biên Hòa. Kết quả phân tích Mediacoding của Vietnam Report chỉ ra những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông với ngành Bao bì: Tài chính/ Kết quả kinh doanh, Cổ phiếu, Hình ảnh/ PR/ Scandals, Trách nhiệm xã hội/ Tài trợ. So với các ngành khác chủ đề Sản phẩm của ngành Bao bì xuất hiện trên truyền thông còn hạn chế, đạt tỷ lệ chưa đến 5% lượng tin.

Hình 5: Top 4 doanh nghiệp và chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding ngành Bao bì từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020

Top 4 giải pháp từ Chính phủ để hỗ trợ cho ngành Bao bì

Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp bao bì trong khảo sát của Vietnam Report đã kiến nghị 4 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới.

Hình 6: Top 4 giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ cho ngành Bao bì

Nguồn: Vietnam Report khảo sát chuyên gia và các doanh nghiệp ngành Bao bì, tháng 8/2020

Một là, khuyến khích hoạt động đầu tư: thu hút vốn, chuyển giao công nghệ … từ nước ngoài: Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp thì các ưu đãi nêu trên chưa rõ ràng, thiếu cơ chế hỗ trợ vốn phù hợp đã hạn chế khả năng chuyển đổi công nghệ, tiếp cận các công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp ngành bao bì ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sự cạnh tranh của ngành bao bì Việt Nam.

Hai là, bổ sung các chính sách phát triển riêng cho ngành Bao bì, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, phát triển công nghệ phụ trợ: Nguyên liệu và phụ gia dùng trong sản xuất các sản phẩm nhựa ở Việt Nam hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm từ 80-85% năm với các sản phẩm nhập khẩu chính là PE, PP và PVC, nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15-20%/năm. Mặc dù, Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dăm gỗ để sản xuất bột giấy, nhưng ngành công nghiệp sản xuất giấy lại phụ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Sự biến động giá cả nguyên vật liệu sẽ tác động đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bao bì, do không chủ động được nguồn nguyên liệu và phụ gia nên ngành bao bì đã gặp khó khăn khi tăng giá nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí phải chấp nhận lỗ vốn vì không tăng giá bán sản phẩm.

So với các doanh nghiệp FDI, hầu hết các doanh nghiệp bao bì Việt Nam còn hạn chế về trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chỉ có một vài doanh nghiệp nội địa lớn mới có đủ sức cạnh tranh. Các sản phẩm bao bì giấy bao bì cấp cao tráng phủ, các loại giấy đặc biệt vẫn chưa sản xuất được, và phải nhập khẩu số lượng lớn, trên 1,3 triệu tấn/năm. Việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với ngành bao bì hiện nay vẫn đang là một trở ngại lớn, hầu hết các thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của ngành đều phải nhập khẩu. Nếu ngành cơ khí của Việt Nam có thể phát huy tốt vai trò hỗ trợ thì ngành Bao bì sẽ có khả năng tiếp cận được với công nghệ hiện đại với chi phí hợp lý, qua đó tăng hiệu quả hoạt động và doanh thu của ngành.

Ba là, tăng cường hỗ trợ thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế: Mặc dù các doanh nghiệp bao bì giấy bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên chính sách hỗ trợ cũng chưa được nêu rõ so với các ngành như dệt may, da giày hay dịch vụ khách sạn… Theo đánh giá của 62,5% doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành bao bì như các ngành công nghiệp khác trong miễn, giảm và nộp chậm, hoàn thuế giá trị gia tăng. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hạ lãi suất và giãn trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp ngành Bao bì nhằm hỗ trợ trực tiếp vào việc mua nguyên liệu đầu vào.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý: Các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đưa ra kiến nghị với Chính phủ về hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép nhập khẩu, có các chính sách giúp giảm thủ tục nhập khẩu, thời gian thông quan nhanh góp phần giảm chi phí, giải quyết hàng tồn lưu tại cảng và doanh nghiệp sớm có nguyên liệu sản xuất.

Top 10 Công ty Bao bì uy tín là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report. Từ năm 2012, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) để tính điểm uy tín của các doanh nghiệp trên truyền thông. Kể từ đó đến nay, nhiều bảng xếp hạng Top 10 thuộc các ngành trọng điểm và có tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam cũng đã được định kỳ công bố thường niên như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ thông tin, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Du lịch, Doanh nghiệp niêm yết.

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty bao bì tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành Bao bì được đăng tải trên các đầu báo có ảnh hưởng trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020, đánh giá theo cấp độ câu chuyện (story - level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức - khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Lễ công bố chính thức bảng xếp hạng và tôn vinh Top 10 Công ty Bao bì uy tín năm 2020 được tổ chức vào ngày 22 tháng 10 năm 2020 tại Khách sạn Sheraton, Thành phố Hà Nội.

Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: https://toptenvietnam.vn/.

 

Vietnam Report