Bối cảnh thương mại toàn cầu và Chiến lược ứng phó của doanh nghiệp Việt

13/05/2025

Chuyên mục:

Bài phỏng vấn của Vietnam Report với PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Vietnam Report: Quan điểm của ông về chính sách thuếđối ứng mà Mỹ dự kiến áp dụng và những tác động đến các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ lớn như Việt Nam, đặc biệt là đối với các nhóm ngành xuất khẩu chính của Việt Nam như vật liệu xây dựng, hàng dệt may, thủy sản, thiết bịđiện tử?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Ngày 9/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra mức thuế đối ứng 46% với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc sử dụng thuế quan như một biện pháp phòng vệ không phải là một chính sách mới do trong nhiệm kỳ trước vào năm 2018, ông Donald Trump đã bắt đầu áp dụng với hàng hóa của Trung Quốc. Lý do Donald Trump áp dụng thuế đối ứng bởi vì Mỹ đang thâm hụt thương mại rất lớn, nền kinh tế phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu. Các nhà máy không đặt tại Mỹ dẫn đến việc làm của người dân Mỹ bị ảnh hưởng, tỷ lệ thất nghiệp tăng, lung lay vị thế dẫn đầu khi quốc gia này phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa nhập khẩu. Tất cả những điều đó có thể làm cho nền kinh tế Mỹ bấp bênh hơn so với giả định Mỹ đạt được cân bằng thương mại.

Việc chính phủ Mỹ áp dụng thuế đối ứng hoàn toàn phù hợp bản chất của thương mại – có qua có lại. Nhưng với cách làm của Mỹ luôn đi cùng hai mặt lợi và hại. Khi thuế đối ứng áp dụng đồng loạt với nhiều đối tác thương mại sẽ làm cho giá cả tăng đột biến trong thời gian ngắn, thu nhập thực tế của người Mỹ giảm đi khi tính theo giá so sánh, dẫn đến lạm phát tăng lên và FED khó có thể duy trì mức lãi suất như hiện tại mà có thể cao hơn. Ngay với thị trường chứng khoán, vốn hóa của nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ giảm mạnh ngay sau mức thuế đối ứng được công bố. Về mặt lợi, mức độ thâm hụt thương mại chắc chắn sẽ giảm nhưng việc di dời nhà máy trở về Mỹ không phải việc “một sớm một chiều”.

Về phía Việt Nam, ngay cả khi lời đề nghị về một Hiệp định thương mại tự do với Mỹ vẫn đang bị bỏ ngỏ, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đạt 123,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng gần 20% so với năm trước đó và liên tiếp thiết lập mức kỷ lục. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ chỉ đạt 13 tỷ USD. Với cách tính thuế đối ứng của Mỹ dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại, con số 90% được đưa ra và Mỹ chỉ áp dụng một nửa – 46%. Tuy nhiên, 46% là mức khá cao với Việt Nam.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam năm 2024

Nguồn: Hải quan, Vietnam Report tổng hợp

Nếu mức thuế đó được thực thi, giá hàng hóa Việt Nam vào Mỹ có thể tăng lên tới 1,5 lần, sẽ khó cạnh tranh với những mặt hàng tương tự từ các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn. Một số đối tác Mỹ có thể ngừng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép, gỗ, hàng dệt may, thủy sản, thiết bị điện tử, và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác khó khăn hơn trong việc gia nhập thị trường này. Trong khi đó, dư địa để giảm giá cũng không còn nhiều nữa. Vì vậy, hàng hóa Việt Nam có thể dư thừa, dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam phải thu hẹp quy mô xuất khẩu, thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển hướng thị trường, tăng cường đầu tư bán hàng trong nước và các thị trường quốc tế khác. Thậm chí có một số doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, không có khả năng chống chịu có thể phải đóng dừng sản xuất kinh doanh.

Đây là những tác động mà chúng ta không mong đợi trong bối cảnh toàn cầu hóa và Việt Nam đã và đang là một mắt xích quan trong trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thuế đối ứng sẽ có tác động tiêu cực rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Gánh nặng lên vai của các doanh nghiệp bây giờ rất nặng nề. Và điều này đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp chung sức, đồng lòng trong cuộc chơi này.

Một tín hiệu tích cực là biểu thuế đối ứng được đình chỉ trong 90 ngày để các nền kinh tế đàm phán thương mại với Mỹ. Trung Quốc và các nước có hành động trả đũa không nằm trong diện này, thậm chí chính quyền Trump đã nâng mức thuế lên 125% với hàng hóa Trung Quốc. Do đó, đàm phán là con đường duy nhất và chúng ta không có sự lựa chọn.

Vietnam Report: Ông đánh giá như thế nào về các chính sách hiện tại của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu? Và nhận định của ông về cơ hội đàm phán của Việt Nam trước mức thuế đối ứng của Mỹ?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đã làm tương đối triệt để và toàn diện. Ví dụ, Việt Nam đã ký kết lên tới 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới như là EVFTA, CPTPP, RCEP, rồi các hiệp định trong ASEAN và các hiệp định với Israel và Hồng Kông, Chile. Điều này thực chất đã tạo điều kiện cho thị trường Việt Nam có độ mở rất lớn.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt 786 tỷ USD. Đây là kết quả của quá trình đổi mới và mở cửa của Việt Nam. Theo dự kiến, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam có thể đạt con số 1.000 tỷ USD trong năm nay. Các con số kỷ lục là minh chứng cho những biện pháp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam là có hiệu lực trực tiếp đến doanh nghiệp. Ví dụ như mở cửa thị trường, tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài, nữa là hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề lãi suất, thuế, các vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, liên quan đến bảo lãnh xuất khẩu. Tôi cho rằng Chính phủ đã hỗ trợ cho xuất khẩu rất đáng kể và toàn diện, và chính sách của Việt Nam cho đến thời điểm này rất đúng hướng.

Trước mức thuế đối ứng 46%, Chính phủ cũng đã chuẩn bị phương án đàm phán với Mỹ để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích hai nước. Trong buổi điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam ngỏ ý đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam về 0% và kỳ vọng Mỹ cũng có động thái tương tự. Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ tăng cường nhập khẩu từ Mỹ những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu và Mỹ có thế mạnh, ví dụ như máy bay, nông sản, khí hóa lỏng, thiết bị y tế, dược phẩm, và cả các thiết bị về quốc phòng, an ninh.v.v. 

Hiện nay, hãng hàng không Vietjet đẩy mạnh mua máy bay Boeing - sản phẩm có giá trị cao nhất Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ. Năm 2025, dự kiến có khoảng 14 tàu bay Boeing 737 Max sẽ được bàn giao cho Vietjet. Với giá khoảng 100 triệu USD/chiếc, tổng giá trị đơn hàng của riêng hãng hàng không này với thị trường Mỹ lên hàng tỷ USD. Cùng với các gói tăng cường nhập khẩu, Việt Nam đã giảm thuế hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong đó, thuế nhập khẩu ô tô đã giảm từ 64% xuống 50%, thuế ethanol giảm từ 10% xuống 5%, và thuế đối với đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%. Ngoài ra, thuế nhập khẩu đối với các loại hạt như hạnh nhân, táo tươi và cherry đã giảm từ 8–15% xuống còn 5%. Đáng chú ý, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gỗ và đồ nội thất đã giảm từ 20–25% xuống 0%. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.

Ông Donald Trump không quan tâm nhiều đến hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, trợ cấp xuất khẩu, biện pháp về hành chính, biện pháp liên quan đến kiểm dịch động thực vật, biện pháp liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ. Điều ông ấy quan tâm là mức thuế tường minh. Nếu muốn giảm thuế, các quốc gia buộc phải đưa ra giải pháp để thu hẹp thặng dư thương mại. Để đàm phán được thuận lợi, đòi hỏi Việt Nam cần tính lại tổng cầu của mình. Chúng ta có thể chấp nhận một phương án giảm nhập khẩu từ nước khác để nhập khẩu từ Mỹ, thay vì nhập khẩu từ nước khác mà mất quá nhiều lợi ích từ nước Mỹ. Người Mỹ vốn thực dụng, họ sẽ xét thực tế những thay đổi trong cán cân thương mại. Theo quan điểm của tôi, cơ hội đàm phán sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta đưa ra được cam kết về gói nhập khẩu với quy mô lớn, có thể lên tới 15-20 tỷ USD, thậm chí cao hơn nữa, tương ứng với 30-40% mức thặng dư hiện tại và có một lộ trình thực hiện rõ ràng.

Vietnam Report: Nhận định của ông về diễn biến dòng chảy thương mại toàn cầu và dòng vốn FDI trong thời gian tới với những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Trước hết, với chính sách thuế mới, Mỹ đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các quốc gia muốn tránh hàng rào thuế quan sẽ có xu hướng đưa nhà máy, hoạt động sản xuất tới Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải sử dụng lao động, nguyên liệu, năng lượng và tiêu dùng tại Mỹ, qua đó thúc đẩy sản xuất trong nước và tạo việc làm cho người dân Mỹ. Mỹ cũng sẽ tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu sang các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các nước như Việt Nam, sức hút FDI có thể bị ảnh hưởng. Khi các doanh nghiệp không còn dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ do bị đánh thuế cao, động lực để đầu tư vào Việt Nam nhằm mục tiêu xuất khẩu vào Mỹ sẽ suy giảm. Đây là một thách thức thực tế mà Việt Nam cần đối mặt trong năm nay.

Dẫu vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam không hoàn toàn bị cắt đứt. Các doanh nghiệp vẫn có thể cân nhắc xuất khẩu sang thị trường thứ ba, nơi không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ. Trong bối cảnh đó, để giữ chân và thu hút thêm vốn đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh: giảm chi phí chính thức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả điều hành. Ngoài ra, chính sách tỷ giá linh hoạt cũng có thể là một công cụ hỗ trợ, giúp hàng hóa Việt Nam duy trì tính cạnh tranh về giá, bù đắp phần nào tác động từ thuế.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đều nhạy cảm với giá. Đối với một số mặt hàng thiết yếu như đồ gỗ, thực phẩm, quần áo… kể cả khi giá tăng, nhu cầu vẫn có thể duy trì. Do đó, ngay cả khi bị áp thuế cao, xuất khẩu sang Mỹ chưa chắc đã sụt giảm mạnh như nhiều người lo ngại.

Tình hình hiện nay có thể tạo ra một cú sốc ngắn hạn, song nếu Việt Nam phản ứng linh hoạt và nhanh chóng trong 90 ngày được Mỹ hoãn áp dụng thuế dành cho các quốc gia không có hành động trả đũa, thì vẫn còn cơ hội để duy trì dòng vốn đầu tư. Về dài hạn, các doanh nghiệp FDI khi ra quyết định đầu tư thường tính đến chu kỳ dài hơn 4 năm – không đơn thuần bị chi phối bởi một nhiệm kỳ Tổng thống. Do đó, dù chính sách của ông Trump có thể gây khó khăn ngắn hạn, các doanh nghiệp vẫn sẽ cân nhắc đầu tư vào Việt Nam nếu thấy tiềm năng dài hạn.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài trong dài hạn. Nhất là trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ số hóa và toàn cầu hóa, những yếu tố này sẽ là lợi thế cạnh tranh quan trọng của Việt Nam. Nhờ chính sách đối ngoại cởi mở và chủ trương làm bạn với tất cả các quốc gia, vị thế địa chính trị thuận lợi, môi trường chính trị ổn định, và cơ sở hạ tầng đang ngày càng cải thiện, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn FDI trong dài hạn.

Vietnam Report: Theo ông, doanh nghiệp Việt cần ưu tiên các chiến lược gì để thành công với bối cảnh thị trường quốc tế như hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Các doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc theo đuổi một số chiến lược sau để thích ứng và phát triển bền vững:

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục kiên trì với chiến lược hiện tại, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như Mỹ. Dù có thể gặp khó khăn do chính sách thuế hay các rào cản kỹ thuật, nhưng nếu xác định thị trường Mỹ vẫn có tiềm năng dài hạn, thì việc duy trì sự hiện diện, thậm chí chấp nhận những thiệt hại tạm thời để giữ thị trường, là điều cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đồng thời xây dựng bộ phận quản trị rủi ro chuyên biệt, có các phương án dự phòng và nguồn lực sẵn sàng để hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong dài hạn, thị trường Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn, khó khăn chỉ là cục bộ ngắn hạn. 

Sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, cũng như sự hợp tác giữa các doanh nghiệp – ví dụ như chia sẻ đơn hàng, liên kết chuỗi – cũng rất quan trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí, đặc biệt là chi phí hành chính và chi phí phi chính thức, để giảm thiểu thiệt hại khi lợi nhuận bị thu hẹp.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường là hướng đi cần thiết. Doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường đơn lẻ, mà nên kết nối các chuỗi giá trị khác. Thay vì dành tỷ trọng quá lớn cho Mỹ, có thể cân nhắc mở rộng sang các khu vực khác chẳng hạn như Halal, châu Âu, Ấn Độ – những thị trường mà chúng ta vẫn chưa khai thác nhiều, tăng cường kết nối vào chuỗi giá trị của các đối tác “khó tính. Dù họ đặt ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu cao về tính bền vững, nhưng nếu doanh nghiệp Việt đáp ứng được, sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn. Doanh nghiệp Việt  phải nâng cao chất lượng, xanh hóa, bền vững hơn, tuân thủ các tiêu chuẩn được đặt ra. Thay vì coi là điều cản trở đây nên được xem là một cơ hội lớn mà nếu chúng ta vượt qua được thì sẽ thành công.

Cuối cùng, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều bất ổn, thị trường nội địa cần được chú trọng hơn. Với quy mô GDP khoảng 500 tỷ USD, nội địa vẫn là thị trường lớn mà doanh nghiệp có thể khai thác hiệu quả hơn.

Tóm lại, thay vì bị động trước khó khăn, doanh nghiệp Việt nên xem đây là cơ hội để đổi mới, nâng cấp năng lực cạnh tranh, và chủ động tìm đường đi riêng cho mình.

Vietnam Report: Trân trọng cảm ơn ông đã tham gia buổi trò chuyện!