Vicem Hà Tiên quyết liệt với cuộc chuyển đổi sang sản xuất xi măng xanh, thân thiện với môi trường

07/05/2021

Chuyên mục:

Sản xuất xi măng từng được nhắc đến như là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhưng với quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) đã mang đến một cách nhìn khác. Đó là, ngành sản xuất đang góp phần giải quyết vấn đề rác thải công nghiệp, phế thải của nhiều ngành sản xuất khác giúp môi trường xanh sạch hơn.

Vicem Hà Tiên đã đầu tư rất nhiều cho quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, thân thiện với môi trường và có thể nói là một trong các đơn vị đi đầu của Tổng Công ty xi măng Việt Nam trong các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng và clinker.

Chẳng hạn, từ năm 2013, thay vì dùng dầu HFO để sấy các nguyên liệu, Trạm nghiền Phú Hữu – Vicem Hà Tiên (TP. HCM) đã dùng củi trấu để thay thế. Vicem Hà Tiên cũng đang sử dụng vải vụn, đế giày từ các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM để đưa vào lò nung tại Bình Phước nhằm thay thế một phần năng lượng than.

Với vỏ hạt điều, Vicem Hà Tiên đã nghiên cứu và đưa vào thay thế một phần nhiên liệu than trong nung luyện clinker tại nhà máy Bình Phước từ 2015. Điều này góp phần rất lớn cho việc bảo vệ môi trường vì tỉnh Bình Phước nói riêng, Đông Nam Bộ nói chung là vùng đất trồng cây điều, sau khi thu hoạch nhân, số lượng vỏ hạt điều bỏ đi rất lớn, nếu không sử dụng mà bỏ ra môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đất và nguồn nước.

Thêm vào đó, với sự chỉ đạo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Vicem Hà Tiên đang nghiên cứu việc đốt rác thải sinh hoạt trong hệ thống lò nung. Dự kiến, bước đầu Vicem Hà Tiên sẽ làm việc với đơn vị thu gom rác để phân loại rác, lấy những loại có nhiệt trị như bao ni lông, bìa carton, cao su đưa về đốt ở hệ thống lò tại Kiên Lương và Bình Phước. Bước tiếp theo, Tổng Công ty xi măng Việt Nam sẽ triển khai hội thảo nghiên cứu khoa học nhằm tìm cách đưa rác chưa qua phân loại vào đốt trong các hệ thống lò nung của nhà máy sản xuất clinker. Làm được việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề lớn về rác thải cho nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh đó, Vicem Hà Tiên còn tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi từ các ngành sản xuất khác, cụ thể có việc sử dụng tối đa tro, xỉ lò cao trong sản xuất xi măng để góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng tro của các nhà máy nhiệt điện và xỉ đáy của các nhà máy sản xuất gang thép.

Việc dùng bùn thải từ nạo vét kênh rạch để sản xuất clinker cũng là một trong những đề án được Vicem Hà Tiên chú trọng. Dùng loại bùn thải này vào sản xuất clinker sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác đất sét tự nhiên là nguồn nguyên liệu không tái tạo và xử lý triệt để số lượng bùn thải sau sản xuất nước, nạo vét kênh rạch của các tỉnh và thành phố.

Những năm gần đây, cạnh tranh trên thị trường xi măng khá gay gắt, giá các nguyên liệu đầu vào biến động khá nhiều nhưng giá thành sản phẩm của Vicem Hà Tiên vẫn giữ ổn định, năng lực cạnh tranh gia tăng, có thể nói, chính nhờ việc thay thế nguyên liệu này cho dù giá than, giá điện, giá nhân công tăng, làm chi phí sản xuất tăng nhưng Vicem Hà Tiên vẫn giữ, thậm chí hạ giá thành sản phẩm.

Chẳng hạn, việc dùng củi trấu thay thế dầu HFO để sấy nguyên liệu chẳng những giúp giảm chi phí khoảng 30-40% so với dùng dầu mà còn giúp Vicem Hà Tiên tránh được sự phụ thuộc vào thị trường dầu thế giới, tránh được những khó khăn khi thị trường biến động, giá cao. Dùng vỏ hạt điều thay thế cho than trong nung luyện clinker ở Nhà máy Bình Phước giúp giảm giá thành vì giá nguồn nhiên liệu này thấp hơn giá than cỡ 30%. 

Với nhiên liệu than, tuy chưa thay thế được hoàn toàn nhưng đã có sự thay đổi rất lớn. Trong đó, dự kiến đến quý I/2020, việc đốt vải vụn, đế giày sẽ giúp Nhà máy Bình Phước thay thế được 30% tổng nhiệt đang dùng. Tính chung cả công ty, hiện mức tiêu hao điện để sản xuất 1 tấn xi măng của Vicem Hà Tiên ở mức thấp, chỉ dao động từ 74-80kwh trong khi đó ở khu vực là khoảng 85-90kwh/tấn xi măng.

Thêm vào đó, việc sử dụng tối đa tro, xỉ lò cao cùng các nguyên liệu khác như Puzolan trong sản xuất xi măng cũng giúp nâng cao sản lượng sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà vẫn giữ chất lượng sản phẩm.

“Tuy nhiên, những điều này chưa phải là tất cả. Theo tôi, để một doanh nghiệp tồn tại, đứng vững và phát triển cần nhiều yếu tố. Trước hết là phải quản trị tốt công tác sản xuất kinh doanh, tìm các giải pháp đổi mới, sáng tạo để giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành trong sản xuất. Trong đó, bao gồm cải tiến dây chuyền công nghệ, xử lý, cải tạo các nút thắt trong dây chuyền, tăng năng suất thiết bị, giảm tiêu hao về năng lượng điện trong sản xuất xi măng, than trong sản xuất clinker... Kế đến là nâng cao năng lực sản xuất và cuối cùng là kiểm soát tốt hoạt động mua sắm nhiên, nguyên vật liệu đầu vào để có giá tốt nhất so với các đơn vị khác.

Những giải pháp này được chúng tôi thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua, đã có kết quả nhưng chưa dừng lại mà tiếp tục tìm tòi để có những giải pháp tốt hơn cho năm sau”. – Tổng Giám đốc Lưu Đình Cường chia sẻ.

Theo Hà Tiên 1