Ngày 15 tháng 3 năm 1989, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 41/QP thành lập Quân cảng Sài Gòn trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đây là tiền đề ra đời Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Trải qua 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu cả nước trong kinh doanh khai thác cảng, dịch vụ logistics và các ngành kinh tế biển, làm nên một Thương hiệu khẳng định vị thế quan trọng trên trường quốc tế.
Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn hiện đang quản lý, khai thác hệ thống 26 cảng trên 16 tỉnh thành phố cả nước, trong đó có 10 cảng biển lớn của Việt Nam, với hơn 90% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực phía nam, hơn 55% thị phần container thông qua của hệ thống cảng toàn quốc; đóng góp từ 18-20% tổng thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh và gần 6% tổng thu ngân sách quốc gia hằng năm. Năm 2024, sản lượng container thông qua toàn hệ thống của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn dự kiến đạt 10,72 triệu Teus (tăng 9,1% so với năm 2023).
Năm 2024 tiếp tục là một năm đầy biến động cho ngành logistics toàn cầu. Mặc dù các quốc gia đã bắt đầu thấy sự hồi phục kinh tế sau những cú sốc của năm trước, nhưng nhiều thách thức vẫn còn tồn đọng. Giá nhiên liệu tăng cao và biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn là những vấn đề lớn, đặc biệt khi các căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngành Logistics quốc tế cũng như tại Việt Nam vẫn tiếp tục phải thích nghi và đổi mới để đối phó với các thách thức và tận dụng các cơ hội mới.
Xu hướng phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải, bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu, nhằm hướng tới một nền kinh tế hài hòa, thân thiện với môi trường, đảm bảo an sinh cho mọi đối tượng trong xã hội. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng rất quyết tâm triển khai các hành động nhằm hiện thực hóa cam kết mức phát thải ròng bằng “0” tại COP26, cũng như phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu chung là hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”. Ngành logistics nói chung và cảng biển nói riêng cũng đã có những chiến lược hành động chung tay vào quá trình xanh hóa ngành, với các chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, đề án phát triển cảng xanh... Trong đó, chuyển đổi số và tự động hóa đang là những xu hướng thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững không chỉ của ngành logistics, cảng biển mà còn của cả nền kinh tế. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí "cảng xanh" trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.
Là doanh nghiệp giữ vị trí nhà khai thác cảng, cung cấp Dịch vụ logistics số một Việt Nam, xếp thứ 17 trong nhóm 20 Cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, đứng đầu trong TOP 5 doanh nghiệp uy tín ngành Dịch vụ logistics Việt Nam – nhóm ngành: Khai thác cảng. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCT TCSG) cũng là doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy số hoá toàn diện và hướng tới mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái số e-SNP thông qua việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại 16 cơ sở cảng trải dài tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cùng hệ thống 7 ICD hỗ trợ kết nối. Các phần mềm công nghệ tiên tiến như TOPO, TOPX, e-Port, EWMS, cổng tự động..vv..hỗ trợ tối ưu hóa dây chuyền khai thác tại các cơ sở, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu rủi ro về chứng từ cũng như nâng cao an ninh an toàn cho các khách hàng, đối tác làm việc tại cảng. Mở đầu năm 2025, TCSG cam kết tích hợp công nghệ thông tin vào tất cả các dịch vụ của mình, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tập trung cho các chiến lược phát triển bền vững trong tương lai, khẳng định vị thế là nhà khai thác cảng hàng đầu trong khu vực đồng thời là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trong ngành khai thác cảng./.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn