Bài học từ bão Yagi: Vai trò và giải pháp chiến lược của các doanh nghiệp

04/10/2024

Chuyên mục:

Sau thiên tai, nền kinh tế địa phương và khu vực trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp có thể phải chịu thiệt hại về tài sản, giảm doanh thu và bị gián đoạn hoạt động, thậm chí phải đóng cửa vĩnh viễn. Khi các doanh nghiệp và ngành công nghiệp bị trì trệ, cộng đồng sẽ dần nhận ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khác, từ việc khó tiếp cận hàng hoá, dịch vụ đến mất thu nhập và việc làm.

Cơn bão Yagi càn quét nền kinh tế Việt Nam với nhiều thách thức

Gần một tháng sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, không khó để thấy những hậu quả nghiêm trọng mà một trong những cơn bão mạnh nhất trong nhiều thập kỉ qua để lại trong mọi mặt đời sống, bao gồm cả kinh tế.

Theo thống kê sơ bộ tính đến giữa tháng 9, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33 điểm phần trăm; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05 điểm phần trăm; dịch vụ giảm 0,22 điểm phần trăm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo.

Ảnh hưởng từ cơn bão Yagi lan đến nhiều lĩnh vực như nông - lâm - thuỷ sản, gây thiệt hại lớn cho các vụ mùa, tàn phá cơ sở hạ tầng và gây giảm sản lượng, tác động lâu dài đến đời sống của người dân và khả năng phục hồi sản xuất. Các ngành công nghiệp, du lịch, vận tải và thương mại cũng bị đình trệ do cơ sở hạ tầng bị hư hại hoặc gián đoạn, làm giảm doanh thu và ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành.

Đây là thách thức lớn đối với quy hoạch phát triển kinh tế của cả nước nói chung và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam cũng vừa chịu ảnh hưởng lớn từ một cơn bão khác – cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vượt qua cơn bão: Vai trò của nhà lãnh đạo

Giáo sư John Quelch – Phó Hiệu trưởng Đại học Duke Kunshan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, cố vấn cấp cao của Vietnam Report – nhấn mạnh về vai trò của một nhà lãnh đạo trong việc điều hành doanh nghiệp của mình vượt qua ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như thảm hoạ tự nhiên giống siêu bão Yagi.

Nguyên tắc thứ nhất, nhà lãnh đạo phải bình tĩnh. Những tình huống khẩn cấp sẽ chỉ càng trở nên rối ren nếu người đứng đầu cũng rối loạn và lo lắng. Bình tĩnh cũng tức là khẳng định tập thể lãnh đạo và nhân viên sẽ cùng vượt qua khó khăn này, dù đó có là một thách thức lớn.

Nguyên tắc thứ hai, nhà lãnh đạo phải tự tin. Cần làm nhân viên cảm thấy, với vai trò người đứng đầu doanh nghiệp, một lãnh đạo có thể sử dụng tất cả các nguồn lực cần thiết, bao gồm cả tài lực và nhân lực, để vượt qua khủng hoảng. “Bạn phải cho nhân viên thấy rằng có ánh sáng ở cuối con đường.”, GS. Quelch chia sẻ.

Nguyên tắc thứ ba và rất quan trọng, đó là giao tiếp. Nhà lãnh đạo phải liên tục giao tiếp với tất cả các bên – các nhân viên của công ty, các khách hàng, đối tác, thậm chí cả giới truyền thông – một cách chân thành và minh bạch để tăng tính thuyết phục. Nếu không, những tin đồn không có lợi về doanh nghiệp có thể bắt đầu lan truyền và doanh nghiệp sẽ mất quyền kiểm soát câu chuyện, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội.

Nguyên tắc thứ tư là sự hợp tác. Không một nhà lãnh đạo nào có thể giải quyết một tình huống khẩn cấp như vậy một mình. Do đó, cần kêu gọi sự hỗ trợ cần thiết đến từ nhiều nguồn lực như cơ quan Chính phủ, các đối tác hay các tổ chức xã hội. Ở đây, đề xuất cho Chính phủ là cần xem xét phương án hiệu quả nhất khi cho phép nhiều bên tham gia hợp tác giải quyết vấn đề và vượt qua khủng hoảng. 

“Tóm lại, nhiệm vụ chính của một nhà lãnh đạo chính là xây dựng và truyền đạt sự bình tĩnh, tạo niềm tin, giao tiếp liên tục và minh bạch, cũng như hợp tác với các bên hiệu quả.”, GS. Quelch kết luận.

Lãnh đạo Vietnam Report trao đổi cơ hội hợp tác và phỏng vấn GS. John Quelch

Nguồn: Vietnam Report, tháng 9/2024

Bài học từ cơn bão và giải pháp chiến lược cho các doanh nghiệp

Từ lâu, các nước trên thế giới đã tìm cách bảo vệ nền kinh tế quốc gia khỏi hậu quả tàn khốc của thiên tai bằng các nghiên cứu về chiến lược và hành động nhằm giảm thiểu thiệt hại, ứng phó và phục hồi.

Với địa hình và khí hậu đặc thù, Việt Nam là một trong những quốc gia phải đối mặt với rủi ro cao từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Để giảm thiểu thiệt hại do các thảm hoạ tự nhiên như cơn bão Yagi gây ra, bên cạnh những giải pháp do Chính phủ triển khai, cần có cả sự chuẩn bị của các bên khác, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp – động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Dưới đây là một số giải pháp dành cho các doanh nghiệp để ứng phó hiệu quả với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một là, đầu tư vào hệ thống cảnh báo và phòng tránh thiên tai. Một hệ thống cảnh báo sớm hiện đại với công nghệ tiên tiến sẽ giúp con người theo dõi các hiện tượng tự nhiên bất thường tốt hơn, qua đó có thể đưa ra những dự báo kịp thời và chính xác.

Hai là, đầu tư vào hệ thống dữ liệu. Những dữ liệu như thông tin về nhân viên, tài sản doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng… là thông tin vô cùng quan trọng khi triển khai các hoạt động cứu trợ, các nhiệm vụ nhằm khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Ba là, ứng biến linh hoạt và sẵn sàng thích nghi. Trước những tác động khó lường của hiện tượng thời tiết cực đoan, doanh nghiệp cần linh hoạt và nhanh chóng thích nghi với tình hình để giữ cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng ít nhất có thể.

Bốn là, tuyên truyền và quan tâm tới nhân viên. Việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức trước đó và quan tâm tới toàn thể nhân viên là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần chuẩn bị trước các biện pháp để đảm bảo bộ máy sẽ vận hành trơn tru ngay cả trong tình huống khẩn cấp.

Năm là, hợp tác và hỗ trợ cộng đồng. Hành động hỗ trợ cộng đồng không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn là chiến lược xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp. Chia sẻ trách nhiệm xã hội và hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan (Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ…) sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại và xây dựng một cộng đồng chống chịu thiên tai tốt hơn.

Ngày nay, thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) đã trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay cùng Chính phủ và các tổ chức khác khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều doanh nghiệp trong Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) – những doanh nghiệp giá trị hàng đầu với hoạt động kinh doanh hiệu quả và tích cực tham gia các hoạt động xã hội – đã nhanh chóng hỗ trợ người dân khu vực chịu thiệt hại như: Vingroup, Vietcombank, VPBank, Viettel, Center Retail…

Sáu là, tích cực tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững. Rõ ràng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn trong những năm trở lại đây. Không chỉ các doanh nghiệp, Việt Nam cần có những chuyển đổi căn bản trong nền kinh tế, hướng đến chuyển đổi xanh toàn cầu. Tuy nhiên, đây vẫn còn là thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và sự thay đổi chính sách ở nhiều quốc gia, trong khi môi trường trong nước còn nhiều rào cản.

Khảo sát doanh nghiệp PROFIT500 của Vietnam Report ghi nhận 6 rào cản lớn trong quá trình triển khai ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), bao gồm: Nhân viên chưa có kiến thức, chuyên môn cần thiết về ESG; Quy mô công ty; Lãnh đạo cấp cao cần nâng cao kiến thức, năng lực thực thi ESG; Thiếu thông tin; Khung pháp lý chưa minh bạch; Khả năng tài chính.

Top 6 rào cản trong quá trình triển khai cam kết ESG

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp PROFIT500, Vietnam Report, tháng 7-8/2024

Các thảm hoạ tự nhiên thường mang đến nhiều “vết thương” đi kèm những thách thức mới, song chúng cũng mang đến cơ hội để tái thiết một cộng đồng mạnh mẽ hơn. Đối với các doanh nghiệp, bài học từ cơn bão là để tìm ra những chiến lược phục hồi phù hợp, chẳng hạn như mở rộng thị phần ở các khu vực “an toàn” hơn, đa dạng hoá các khoản đầu tư phục hồi, tìm cách thu hút nhân tài, phát triển kinh tế sáng tạo và chung tay bảo vệ thiên nhiên… Đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong PROFIT500 - top 500 doanh nghiệp vừa hoạt động hiệu quả với lợi nhuận tăng trưởng tốt, vừa tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

 

Vietnam Report