Kinh tế thế giới dần thoát khỏi “bóng đen” COVID-19

06/04/2021

Chuyên mục:

Sau 1 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 50 năm qua. Tuy nhiên, hiện cũng xuất hiện nhiều yếu tố có thể làm chệch đà phục hồi này, đặc biệt là sự tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau những tác động của dịch bệnh. Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua đồng loạt đi lên với chỉ số Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục, sau khi số liệu về thị trường lao động và các ngành dịch vụ cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, giúp nhà đầu tư thêm hy vọng vào đà phục hồi của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trong khi đó, với kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng, Hãng nghiên cứu Oxford Economics dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể  lên tới 9,3% trong năm nay. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, những dấu hiệu phục hồi kinh tế khả quan từ các nền kinh tế lớn,đang trở thành động cơ chính cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Tháng 1, chúng tôi đưa ra dự báo trưởng toàn cầu ở mức 5,5% vào năm 2021. Hiện chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn, nhờ vào những chính sách của Mỹ cùng với  sự phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia phát triển đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine vào cuối năm nay. Những số liệu lạc quan này giúp chúng tôi có thể sớm nâng cao dự báo kinh tế thế giới năm nay và năm 2022”, Tổng Giám đốc IMF nói.

Triển vọng nhìn chung đã được cải thiện, nhưng giữa các nước vẫn đang có sự chênh lệch đáng báo động. Trong khi Mỹ đang phục hồi thì Pháp, Đức, Italia, Vương quốc Anh và Nhật Bản đều tăng trưởng âm. Tại các thị trường mới nổi, Braxin, Nga và Ấn Độ đều bị Trung Quốc bỏ xa. So với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều, một phần do sự khác biệt trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và những hỗ trợ tài chính giữa các nước. Kết quả là có thể mất nhiều năm để các nước còn lại trên thế giới phục hồi hoàn toàn từ đại dịch cùng với Mỹ và Trung Quốc.

Tuy vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, triển vọng này có thể thay đổi nếu các quốc gia "phía sau" đưa ra những chính sách hiệu quả hơn: “COVID-19 sẽ vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với triển vọng thương mại toàn cầu. Làn sóng mới có thể hủy hoại mọi hi vọng về sự phục hồi. Việc thúc đẩy tiêm vaccine sẽ trao cho thế giới cơ hội để chấm dứt đại dịch và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, cơ hội này phải được chia đều. Một kế hoạch tiêm vaccine công bằng, nhanh và toàn cầu là kế hoạch kích thích kinh tế bền vững và mạnh mẽ nhất”.

Có nhiều cảnh báo các nước sẽ tiếp tục phải “trả giá kinh tế” nếu không kiểm soát tốt COVID. Những quốc gia hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới và một chiến lược tiêm chủng chậm chạp sẽ đối mặt với sự phục hồi yếu. Theo các chuyên gia kinh tế, công thức cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững vẫn không thay đổi so với thời đại dịch cao điểm, bao gồm các biện pháp kiên quyết để kiểm soát virus, trong đó nhấn mạnh tăng tốc kế hoạch tiêm vaccine. Ngoài ra, cần tiếp tục các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ cân bằng, với trọng tâm nhằm vào các chính sách đảm bảo nhu cầu và cải thiện năng suất.

 

Phạm Hà

Theo VOV1