Hơn 9 ngàn hecta cây cà phê tại tỉnh Lâm Đồng tái canh từ nguồn vốn Agribank

04/01/2018

Chuyên mục:

Điểm sáng trong chương trình tín dụng tái canh cà phê giai đoạn 2013-2017 trên địa bàn Tây Nguyên là tỉnh Lâm Đồng. Từ thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank, đã tích cực đẩy mạnh đầu tư tín dụng tái canh, cải tạo giống cà phê ở những vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh

Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tây Nguyên, năm 2013, Agribank đã ký biên bản ghi nhớ với UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk và Tổng công ty Cà phê Việt Nam để tài trợ vốn đầu tư tái canh cà phê; đồng thời Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn Tây Nguyên chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và ban ngành, địa phương để triển khai thực hiện tốt chương trình tín dụng ưu đãi tái canh cây cà phê già cỗi trên địa bàn Tây Nguyên; triển khai nắm bắt kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng có nhu cầu vay đầu tư, chăm sóc, tái canh cây cà phê trên địa bàn để cung ứng vốn kịp thời cho chi nhánh. Agribank áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng, thấp hơn 2%-2,5%/năm so với lãi suất cho vay trung, dài hạn thông thường của Agribank.

UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2020.

Tại tỉnh Lâm Đồng, các chi nhánh Agribank xác định việc tài trợ vốn cho tái canh cà phê là chương trình tín dụng trọng tâm. Vì vậy, đã chủ động và quyết liệt trong chỉ đạo cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện bằng các biện pháp cụ thể như: Quán triệt đến toàn thể cán bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình tín dụng tái canh cà phê; Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Hội nông dân, Hội phụ nữ, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình, đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu vốn tái canh, cải tạo giống cà phê từ đó xây dựng “bản đồ” tái canh cà phê chi tiết đến đơn vị hành chính thôn, bản. Tổ chức đăng ký nhu cầu vốn và bố trí đủ nguồn vốn theo cam kết để phục vụ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn vay vốn thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê theo kế hoạch. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng 3 bộ định mức đầu tư và 3 dự án mẫu phục vụ cho việc thẩm định các dự án trồng tái canh, cải tạo giống cà phê. In ấn tờ rơi quảng cáo chương trình tín dụng tái canh cà phê và phân phối đến tất cả các điểm giao dịch giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, dễ dàng tiếp cận vốn vay. Công khai quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn thủ tục vay vốn đến từng tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu, tăng cường cán bộ thẩm định cho vay đối với các địa bàn trọng điểm, đáp ứng kịp thời vốn đầu tư. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông của các huyện để nắm bắt công tác triển khai của địa phương, tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện cho vay tái canh cà phê tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng), số khách hàng vay và dư nợ cho vay chương trình tăng dần qua các năm. Thời điểm 2013, năm đầu tiên thực hiện chương trình, Agribank cho vay được 1.671 khách hàng, dư nợ 152 tỷ đồng, đến thời điểm 31/7/2017 tăng lên 5.046 khách hàng (5.032 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân; 14 khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức) với dư nợ là 679 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu ghép cải tạo, trồng tái canh 11.417 ha diện tích cây trồng cà phê (3.711 ha trồng tái canh và 7.706 ha ghép cải tạo).

Điểm sáng trong chương trình tín dụng tái canh cà phê giai đoạn 2013-2017 trên địa bàn Tây Nguyên là tỉnh Lâm Đồng. Từ thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank, đã tích cực đẩy mạnh đầu tư tín dụng tái canh, cải tạo giống cà phê ở những vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng. Tính đến ngày 31/7/2017, tổng số tiền giải ngân là 950 tỷ đồng cho 5.515 khách hàng để đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê với tổng diện tích là 9.005 ha. Trong đó đầu tư 166 tỷ đồng cho 1.040 khách hàng để trồng tái canh 1.350 ha; 784 tỷ đồng cho 4.470 khách hàng để ghép cải tạo 7.655 ha. Tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê của các chi nhánh Agribank trên địa bàn đến 31/7/2017 là 508 tỷ đồng với 4.502 khách hàng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.


Hơn 9 ngàn ha cây cà phê tại tỉnh Lâm Đồng tái canh từ nguồn vốn Agribank.

Đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lâm Đồng như: Ban hành một số chính sách hỗ trợ người trồng tái canh cà phê; Chỉ đạo hướng dẫn quy trình, định mức tái canh cà phê làm cơ sở cho người trồng cà phê và các chi nhánh Agribank trên địa bàn thực hiện...

Bên cạnh đó Agribank còn áp dụng một số chính sách ưu đãi khác nhằm đẩy nhanh tiến độ tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn như: Rút ngắn thời gian thẩm định, giải quyết cho vay tái canh cà phê bằng ½ thời gian theo quy định hiện hành của Agribank; Không thu phí khi khách hàng có nguồn trả nợ trước hạn; Ngoài đối tượng vay không có tài sản bảo đảm theo Nghị định 41/NĐ-CP trước đây (nay là Nghị định 55/NĐ-CP), khách hàng vay vốn không có tài sản bảo đảm có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay là vườn cây cà phê... Trường hợp khách hàng đã dùng toàn bộ tài sản thế chấp cho ngân hàng nhưng vẫn không đủ, Agribank nơi cho vay có thể xem xét cho vay một phần không có tài sản bảo đảm.

Thông qua nội dung thỏa thuận hợp tác và thông qua các nguồn vốn tín dụng của Agribank trong thời gian qua đã tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo chuổi liên kết.. Các hoạt động tín dụng của Agribank được triển khai đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tăng tín dụng vượt kế hoạch đề ra, đến 30/6/2017, tổng dư nợ tại các chi nhánh của Agribank trên địa bàn đạt 19.306 tỷ đồng, tăng 2.259 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 13,2% so với đầu năm; nếu so với cùng kỳ năm trước, tổng dư nợ đã tăng 4.260 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 28,3%. Đồng thời, mạng lưới giao dịch được mở rộng, khách hàng được sử dụng các dịch vụ tăng lên, tỷ lệ nợ xấu rất thấp, nguồn vốn tín dụng được giải ngân có chất lượng, công tác an sinh xã hội được quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Agribank giai đoạn 2016-2020 và tổng kết chương trình tín dụng tái canh cây cà phê trên địa bàn Lâm Đồng vừa được tổ chức vừa qua, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp tích cực của Agribank, đồng chí Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Các ngành, các cấp của tỉnh Lâm Đồng và các chi nhánh Agribank đã kịp thời triển khai các chương trình tín dụng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Hình ảnh thương hiệu  Agribank đã được ghi nhận và đánh giá cao hơn, gần gũi hơn… Thông qua các nguồn vốn tín dụng của Agribank trong thời gian qua đã tạo thêm động lực để người dân mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo chuổi liên kết.

Để cây cà phê tiếp tục phát huy hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, cũng như xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự xã hội, có đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, trên cơ sở bám sát Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 và Kế hoạch thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định tiếp tục khẳng định việc đầu tư vốn tín dụng để tái canh, cải tạo giống cà phê là một trong những chương trình tín dụng trọng tâm của các chi nhánh hoạt động tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2020. Theo đó, Agribank ưu tiên cân đối đủ nguồn vốn để tiếp tục cho vay tái canh, cải tạo giống cà phê, vừa mở rộng vừa nâng cao chất lượng tín dụng; đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng đạt được mục tiêu tiếp tục thực hiện tái canh, cải tạo trên 27.000 ha giống cà phê năng suất thấp, duy trì tổng diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 15.000 ha, năng suất bình quân đạt 3,2-3,5 tấn/ha… 

Agribank xác định ngoài phương thức cho vay như đã triển khai thời gian vừa qua, cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng phương thức cho vay theo hướng linh hoạt hơn, tiết giảm những hồ sơ vay vốn không cần thiết nhằm giảm bớt thời gian đi lại, thủ tục hồ sơ vay vốn cho người vay và cũng là giảm áp lực công việc cho chính cán bộ ngân hàng. Duy trì thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương truyền thông đến người dân hiểu về chính sách cho vay đối với cây cà phê cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích… Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chương trình tín dụng tái canh cà phê thực sự đạt được hiệu quả cao nhất.

Thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng và Agribank tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đã thỏa thuận. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện để Agribank tiếp cận, cho vay vốn tín dụng đối với các dự án đầu tư tại địa phương. Agribank tiếp tục nghiên cứu thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất cho vay; ưu tiên vốn tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững.

Agribank