Giải pháp để doanh nghiệp Việt khai thác thị trường ASEAN

12/10/2018

Chuyên mục:

Với thị trường 660 triệu dân, GDP năm 2016 đạt 2.551 tỷ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam. Tuy vậy sau gần 3 năm thành lập AEC, hàng hoá của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan. Nhưng, đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn còn quá thờ ơ với các thị trường này...

Tại hội thảo “Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho DN Việt?” tổ chức ngày 10-10 tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, so với các Hiệp định thương mại khác thì các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là nhanh nhất, cao nhất.

Cho đến nay Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế quan trong AEC. Vì vậy DN Việt Nam có cơ hội xuất khẩu có thế mạnh, mở rộng thị trường. Đồng thời DN cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng đầu vào chất lượng hơn. 

Tuy nhiên, “Sau 3 năm Việt Nam tham gia vào AEC, hàng hóa của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam khá lớn trong khi các DN Việt vẫn còn thờ ơ và bỏ qua các thị trường này”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Theo nhận định của ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, việc thành lập AEC đã có hai tác động rất tích cực đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc thành lập AEC cũng có một số ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, như việc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam với các nước ASEAN càng trở nên khó khăn hơn. 

Việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước trong AEC đang dần xóa bỏ. Đến nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. 

Với mức giảm thuế sâu như vậy, trong tương lai, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Đồng thời, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN, bởi vì khi hàng hoá ở các nước thành viên ASEAN có mức thuế ưu đãi như nhau, sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong khi đó, với thiết bị, công nghệ hiện nay, sản phẩm của DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu của các nước trong khối. Bên cạnh đó, sự thuận lợi hóa thương mại trong AEC sẽ tạo ra sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với các sản phẩm, ngành hay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ngay tại thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) chỉ ra những điểm yếu khiến các DN Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường ASEAN: Đó là hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh; hệ thống phân phối hàng hóa còn kém; chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao…; DN chưa trang bị đủ điều kiện để xuất khẩu vào các nước đạo Hồi; chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực… 

Chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến đầu tư vào thị trường ASEAN, ông Hòa cho biết, nếu DN nhỏ đi “xúc tiến” đơn lẻ thì rất khó tiếp cận với cơ quan chức năng các nước sở tại và hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài. Vì vậy, cần phải có một tổ chức uy tín đứng ra kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, sau đó DN mới làm việc, đàm phán với các hệ thống phân phối này. 

Để xuất khẩu hiệu quả, DN cần tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người, tập quán kinh doanh của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, DN phải có chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu, bảo hộ hàng hóa và khai thác triệt để thương mại điện tử.

Ở góc độ DN bán lẻ, phân phối, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành – Operations Director của Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) cho biết, hiện công ty đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam. 

Trong các chuyến đi, MM Mega Market Việt Nam cũng giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…, giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam. “Do vậy nếu các DN có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống, các DN cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm DN đang có cũng như của đội thu mua. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống”, bà Punthila Puripreecha cho biết.

Thuý Hà

Tổng hợp

Vietnam Report